Diễn đàn DN thường niên 2019:

Doanh nghiệp mong chính sách ổn định

DN lo lắng việc chính sách thuế thay đổi gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Ảnh: minh họa
DN lo lắng việc chính sách thuế thay đổi gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Ảnh: minh họa
TP - Các hiệp hội doanh nghiệp (DN) phản ánh tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, phải “lót tay” khi thanh tra kiểm tra thuế. Ðặc biệt, nhiều DN lo ngại tình trạng thay đổi, khó đoán định chính sách nhà nước và nguy cơ bị đánh thuế hồi tố. Trong khi đó, đại diện Chính phủ Việt Nam cho biết, sẽ lắng nghe ý kiến của DN, từ đó cải cách môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.

Nỗ lực vì môi trường đầu tư

Ngày 10/1/2020, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2019, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Theo Bộ trưởng Dũng, những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện hơn vai trò “kiến tạo” của mình đồng thời cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh, khuyến khích DN ra đời, phát triển.

Cũng đại diện VCCI cho biết, đang tồn tại thực tế đáng lo ngại là, doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách trong 5 năm qua. Đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan ngại về những thay đổi liên quan đến chính sách thuế. Sự thay đổi liên tục và mức thuế suất cao ảnh hưởng không chỉ đến DN mà còn đối với nhiều ngành công nghiệp có liên quan cũng như toàn nền kinh tế.

Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cũng phản ánh, một số chính sách của Chính phủ không nhất quán. Trong quá trình đầu tư, có nhiều trường hợp Chính phủ Việt Nam đơn phương thay đổi các điều kiện của giấy phép đầu tư. Đặc biệt, khi Chính phủ sửa đổi nghị định, phải mất nhiều thời gian nội dung  sửa đổi tại nghị định mới được chính quyền địa phương áp dụng. Các nhà đầu tư muốn chấp hành tối đa các điều kiện đầu tư đã được thay đổi, nhưng các công chức của chính quyền địa phương không biết về các quy định đã thay đổi, điều này gây khó khăn trong việc cấp phép đầu tư.

Đại diện Kocham dẫn chứng, năm 2020 Kocham sẽ đầu tư 14 triệu USD vào xây dựng một nhà máy điện tái sử dụng chất thải từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bà Rịa - Vũng Tàu làm nguyên liệu cho xi măng và bê tông trộn sẵn. Tuy nhiên, quá trình thành lập một nhà máy không rõ ràng và trong một số trường hợp, các tài liệu được yêu cầu bởi chính phủ thường xuyên thay đổi. Vấn đề này bắt nguồn từ việc có nhiều khoảng cách giữa luật pháp và thực tiễn.

Trông chờ chính sách thuế ổn định

Theo bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), DN trông đợi các chính sách thuế ổn định, công bằng phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư. Sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, là một trong các quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp thành viên của AmCham khi hoạt động tại Việt Nam.

“Chúng tôi cũng trông đợi sự cải thiện một cách hiệu quả việc giảm các gánh nặng về tuân thủ, bổ sung việc tuân thủ thời hạn 15 ngày cho các cuộc thanh tra đơn giản. Chúng tôi đề nghị cải cách các vấn đề này và các chính sách khác ở cấp độ quốc gia để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và kích thích thương mại và đầu tư”, bà Amanda Rasmussen kiến nghị.

Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cũng phản ánh vướng mắc liên quan đến việc không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài của các sản phẩm xuất khẩu.

Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, cần ổn định môi trường pháp lý và các biện pháp khuyến khích đầu tư. Vẫn có những trường hợp mà trong đó lợi ích hợp lý của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài không được bảo vệ trong quá trình áp dụng các quy định pháp lý. Có những rủi ro kinh doanh mà các công ty nước ngoài không thể bỏ qua và có thể là lý do khiến họ ngần ngại đầu tư thêm. Nếu các biện pháp khuyến khích đầu tư mà Chính phủ đưa ra sau đó lại bị các cơ quan thuế bác bỏ hồi tố và các điều khoản xác nhận những bác bỏ hồi tố này liên tục được đưa vào dự thảo luật đầu tư thì các biện pháp khuyến khích đầu tư sẽ không còn hiệu quả trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư.

Theo đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), chính sách thuế ổn định và có thể dự đoán là cần thiết cho phát triển kinh doanh. Bất kỳ một thay đổi nào về chính sách thuế cũng sẽ có ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Kể từ năm 2003 đến nay, Luật thuế Tiêu thị đặc biệt (TTĐB) đã sửa đổi 5 lần vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014, và 2016. Chỉ riêng từ năm 2014 đến nay, thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng rượu, bia đã tăng liên tục hằng năm.

Cứ mỗi năm các doanh nghiệp trong ngành lại phải điều chỉnh chi phí tài chính, doanh thu và lợi nhuận theo mức thuế suất mới, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch kinh doanh ngắn và trung hạn của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành với cộng đồng DN. Trong đó DN FDI có vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Phó Thủ tướng đánh giá, diễn đàn có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ các hiệp hội DN. Bộ KH&ĐT và các bộ ngành liên quan tiếp thu tham gia hoàn chỉnh quy định pháp luật về cơ chế chính sách, tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, thuận lợi hoá thương mại đầu tư. Từ đó tạo môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh.

“Để tập trung phát triển trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ có nhóm giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, coi môi trường kinh doanh thuận lợi là yếu tố thu hút nguồn lực; minh bạch, ổn định, khuyến khích DN đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tháo gỡ các điểm nghẽn để đảm bảo các nguồn lực tự nhiên được vận hành thông suốt.    

Bộ Tài chính cam kết đồng hành với DN

Doanh nghiệp mong chính sách ổn định ảnh 1

“Bộ Tài chính cam kết, luôn luôn đồng hành với DN để tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về thuế và hải quan để tạo thuận lợi cho DN để thu hút đầu tư, phát triển hơn nữa đóng góp cho Việt Nam thịnh vượng”.

Ðó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai sau khi nghe kiến nghị của các hiệp hội DN tại Diễn đàn DN thường niên năm 2019. Bà Mai cho biết, năm 2019 Bộ Tài chính đã nỗ lực tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện Luật Quản lý thuế và Luật Chứng khoán sửa đổi.        

Ngọc Linh

MỚI - NÓNG