Doanh nghiệp mong, hải quan kêu khó

Doanh nghiệp mong, hải quan kêu khó
TP - Chi cục Hải quan điện tử (HQĐT) TP HCM cho biết, kể từ khi áp dụng hình thức khai HQĐT (tháng 10/2005) đến nay mới có 96 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận tham gia thủ tục HQĐT, trong đó thực tế chỉ 78 DN sử dụng phương thức này.

Cty May Việt Tiến là một trong những DN đầu tiên được tham gia vào sân chơi HQĐT, nhưng đến nay mới chỉ 5% - 10% lượng hàng hoá cũng như kim ngạch xuất khẩu làm thủ tục HQĐT, trong đó chủ yếu lại là các mặt hàng nhập không thường xuyên như thiết bị máy móc ngành may, bóng đèn điện và một ít phụ liệu khác. 90% -95% lượng hàng hoá còn lại, thuộc hàng xuất nhập khẩu thường xuyên, vẫn phải làm thủ tục hải quan theo lối truyền thống.

Ông Nhữ Hồng Hanh - Trưởng phòng XNK Cty May Việt Tiến cho biết, mỗi ngày May Việt Tiến mở từ 30-40 tờ khai xuất nhập khẩu. Để đảm bảo khối lượng công việc này, Cty cần đến 25 người, trong đó 2 người chuyên chỉ mang hồ sơ đến mở tờ khai tại cơ quan hải quan.

“Chúng tôi rất muốn làm thủ tục HQĐT để tiết kiệm chi phí đi lại, lưu kho bãi… nhưng không thể…” - Ông Hanh nói.  

“Đó là nguyện vọng của tất cả các DN có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay” - Ông Đỗ Hữu Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục HQĐT TP Hồ Chí Minh, xác nhận; đồng thời cho biết đó cũng là vướng mắc chung đối với hầu hết các DN.

Thậm chí, có một số DN cũng tham gia sân chơi HQĐT ngay từ đợt đầu nhưng đến nay vẫn không mở được một tờ khai điện tử nào, điển hình là 3 DN kinh doanh xăng dầu: Saigon Petro, Petrolimex và Petec.

Sở dĩ như vậy, theo ông Toàn, là do vướng về quy định. Cụ thể, hiện nay việc mở tờ khai HQĐT mới chỉ áp dụng đối với loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu theo hợp đồng thương mại. Các loại hình khác như sản xuất xuất khẩu và làm hàng gia công… vẫn chưa áp dụng phương thức khai HQĐT. 

Ông Toàn giải thích bằng một ví dụ: Cùng một lô hàng nhập khẩu nhưng trong đó một nửa là nhập theo hợp đồng thương mại, một nửa là tạm nhập tái xuất hoặc làm hàng gia công.

Trong trường hợp này, tờ khai HQĐT không thể thoả mãn tất cả các nhu cầu của DN. Và đó là lý do khiến nhiều DN chỉ khai HQĐT được một phần rất nhỏ so với nhu cầu, thậm chí không thể khai HQĐT được mặc dù họ rất muốn.

Hải quan: Rất tiếc...

Theo ông Toàn, việc triển khai HQĐT đang gặp nhiều trở ngại lớn khác. Một là việc thiếu sự chuẩn hoá các dữ liệu. “Thông lệ thế giới là kiểm soát hàng hoá xuất khẩu thông qua mã số, còn ở ta kiểm soát bằng tên hàng”- Ông Toàn nói.

Đồng thời, ông Toàn cho biết, không chỉ giữa Việt Nam với thế giới, ngay cả các bộ, ngành trong nước cũng không có sự chuẩn hoá và độ vênh nhau rất lớn.

Hai là thiếu chuẩn hoá biểu thuế cho chương trình tính thuế tự  động. Trước đây chỉ có 3 loại thuế suất cơ bản (thông thường, ưu đãi và ưu đãi đặc biệt), nhưng hiện nay Việt Nam ký hiệp định song phương với rất nhiều nước, mỗi nước lại có một biểu thuế riêng. Vì vậy việc áp thuế và tính thuế ngày càng phức tạp. Trong khi đó, chương trình (phần mềm) của ngành Hải quan hiện không đủ khả năng đáp ứng tất cả.

Ông Toàn cho rằng, thực chất của HQĐT của ta hiện nay mới chỉ là bán điện tử, thiếu đồng bộ và nhiều khâu khác vẫn còn phải làm thủ công. Và mặc dù đã khai HQĐT nhưng DN vẫn phải kê khai bằng văn bản để “thủ sẵn”.

Chẳng hạn, lô hàng đang trên đường chuyển từ cảng về kho, lực lượng quản lý thị trường có thể “tóm” bất cứ lúc nào nếu thấy tình nghi. Khi đó DN phải có văn bản chứng từ về xuất xứ lô hàng kèm theo chứ không thể chứng minh bằng… tờ khai điện tử.

Nguyên nhân sâu xa là vì thiếu sự đồng bộ, liên thông giữa các bộ ngành. Cũng vì lý do này nên các DN vẫn phải xin giấy phép của các bộ, ngành liên quan (đối với hàng hoá xuất nhập khẩu có điều kiện) trước khi mở tờ khai hải quan. Vì vậy, DN vẫn phải chật vật với các thủ tục xuất nhập khẩu.   

MỚI - NÓNG