Đầu tư cho nông nghiệp:

Doanh nghiệp mong tăng khoản vay tín chấp

Doanh nghiệp tăng khoản vay tín chấp trong nông nghiệp. Ảnh: Trần Việt.
Doanh nghiệp tăng khoản vay tín chấp trong nông nghiệp. Ảnh: Trần Việt.
TP - Doanh nghiệp mong ngân hàng “nới” lỏng điều kiện thủ tục xin vay vốn trong đầu tư nông nghiệp, còn Ngân hàng Nhà nước thì “hứa” sẽ chỉ đạo các ngân hàng tăng cho doanh nghiệp vay tín chấp. Nhưng cần có dự án tốt, minh bạch dòng tiền và khi vay cần cân nhắc khả năng trả nợ.

DN tha thiết xin gỡ vướng

Ông Trần Văn Hùng- Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, công ty được thành lập vào tháng 2/2006 tại cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ngành nghề kinh doanh chính: nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn, bột cá và dầu cá tra. Tổng doanh thu của nhóm công ty năm 2014 hơn 6.000 tỷ đồng, 2015 dự kiến trên 7.000 tỷ.

Theo ông Hùng, công ty ông hiện đang thuê đất của nhà nước 775 ha, tuy nhiên tài sản trên đất thuê này chưa được thế chấp.Ông Hùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng thêm thời gian chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đến năm 2018. Ngoài ra, các NHTM nên cho vay định giá tài sản các ao nuôi cá theo giá thị trường vì giá trị đầu tư vào ao nuôi rất lớn.

Một doanh nghiệp khác là ông Lâm Văn Chiểu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân cho biết, công ty đã thuê gom được 350 ha ruộng của nông dân ở 07 vùng khác nhau trong tỉnh Nam Định. Hiện Cường Tân đã mở rộng diện tích sản xuất lúa giống.Đến nay, Công ty được ngân hàng BIDV- chi nhánh Nam Định giải ngân số vốn vay gần 19 tỷ đồng (vốn vay ngắn hạn). Từ nguồn vốn vay trung và dài hạn Công ty đang lập dự án để triển khai sau tháng 8/2015… Tuy nhiên, Công ty đang gặp phải một số khó khăn như: Phần đất sản xuất không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Công ty đề nghị được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trong trường hợp không đủ tài sản đảm bảo khoản vay (tăng tỷ lệ tín chấp vốn vay), và cam kết có báo cáo minh bạch dòng tiền để ngân hàng kiểm soát…

Một doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khác là ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu. Ông Lý thừa nhận, giữa DN và ngân hàng từ năm 2008 tới nay đều chịu khó khăn và áp lực như nhau. Theo ông Lý, NHNN cần quan tâm hơn tới hỗ trợ vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, với các DN nhỏ lẻ, công tác ASXH nên đầu tư nhiều hơn.

Cần minh bạch dòng tiền

Theo Nghị định 55/CP- 2015 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/8, các cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng (NH) từ 50 triệu đến 3 tỉ đồng mà không cần tài sản thế chấp. NH và bên vay thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay.

Ghi nhận những đề xuất kiến nghị trên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, lĩnh vực nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực nằm trong chủ trương ưu tiên của Chính phủ. Thời gian qua, NHNN đã thực hiện Nghị định 55 thay thế Nghị định 41, có nhiều điểm mới như: Tăng cho vay tín chấp, bổ sung đối tượng mới được cấp tín dụng, khuyến khích liên kết phát triển… Ngoài ra, còn tổ chức nhiều sự kiện nhằm liên kết, xử lý những khó khăn vướng mắc cho DN ngay tại địa phương. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình tín dụng tại địa phương như cho vay tạm trữ, tái cấp vốn.

Theo bà Hồng, hiện NHNN đã có chỉ thị chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp và sẽ tiếp tục hoàn thiện những thủ tục, quy chế để đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. Bà Hồng yêu cầu, khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cân nhắc khả năng trả nợ.“Việc chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng”- Bà Hồng khẳng định.

7 lĩnh vực cho vay tín chấp gồm: Cho vay các chi phí phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất (SX) đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; Vay phục vụ SX công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; SX giống trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; Phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn;  Phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn; Vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

MỚI - NÓNG