Doanh nghiệp Nhà nước 'đòi sòng phẳng' với tư nhân

Vietnam Airlines đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi đối thủ tư nhân Vietjet. Ảnh: Thanh Bình
Vietnam Airlines đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi đối thủ tư nhân Vietjet. Ảnh: Thanh Bình
Trước sự trỗi dậy của nhiều doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn, tổng công ty bắt đầu lo lắng về vị thế độc tôn của mình

Năm 2012, khi Jetstar Pacific được chuyển từ Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước về Vietnam Airlines, nhiều người từng cho rằng thị trường hàng không có thể trở lại cảnh độc quyền. Tuy nhiên, cũng chính khoảng thời gian này, sự gia nhập và phát triển của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đã phần nào xóa đi những lo ngại ấy.

Phát biểu tại hội nghị của các tập đoàn, tổng công ty cuối năm ấy, Chủ tịch Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh từng phải thốt lên: “Chưa bao giờ thị trường hàng không nội địa cạnh tranh khốc liệt đến thế”. Lãnh đạo hãng này bày tỏ lo ngại về nguy cơ “thừa tải, cạnh tranh không lành mạnh” khi VietJet có kế hoạch đưa 2-8 máy bay A320 vào khai thác thị trường nội địa năm 2013.

Những con số thực tế cũng cho thấy Vietnam Airlines đang bị cạnh tranh quyết liệt, thị phần nội địa của hãng giảm trung bình 5-6% mỗi năm. Thị phần bị mất này chủ yếu rơi vào tay Vietjet. Kết quả kinh doanh vừa được báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải cho thấy mặc dù lợi nhuận vẫn tăng mạnh lên 140 tỷ đồng trong năm 2013, nhưng đây là năm thứ 2 liên tiếp Tổng công ty không đạt kế hoạch về doanh thu.

Trong khi đó, Vietjet Air, với quy mô nhỏ hơn nhiều, báo lãi 120 tỷ đồng từ hoạt động vận chuyển hàng không trong cùng năm 2013. Dù hòa vốn nếu trích lập dự phòng chi phí bảo dưỡng kỹ thuật và khấu hao, nhưng kết quả như vậy cho thấy hãng bay tư nhân đã làm tốt hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cuối năm 2011 là lỗ trong 2 năm đầu .

Cuộc canh tranh giữa 2 hãng không chỉ diễn ra trên các đường bay mà còn vào tận nhà xưởng. Tháng 11/2013, Công ty Kỹ thuật máy bay VAECO (công ty con của Vietnam Airlines) đã phải ban hành nhiều quy định gây tranh cãi để ngăn làn sóng nhân viên kỹ thuật của hãng chuyển sang nơi khác, mà chủ yếu là Vietjet Air làm việc. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Vietjet khi đó cho biết không có chuyện “kéo người” mà thay đổi nơi làm việc chỉ đơn thuần là quyết định của cá nhân cán bộ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện ở nơi đi, nơi đến…

Câu chuyện giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air trong ngành hàng không chỉ là một ví dụ nhỏ cho cuộc cạnh tranh lớn đang diễn ra trong nền kinh tế, nơi mà các doanh nghiệp nhà nước đang đánh mất đi nhiều lợi thế trước các đối thủ tư nhân. Bằng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, không ít doanh nghiệp không hề có vốn Nhà nước đã gây dựng được vị thế trong các ngành như bất động sản, thép, sản xuất, bán lẻ… có thể cạnh tranh sòng phẳng với các “ông lớn” trong và ngoài nước.

Những chuyển biến này cũng phần nào được thể hiện trong chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, được Chính phủ thể hiện thời gian qua. Theo đó, với việc cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước trong vòng 2 năm tới, đến 2015, dự kiến đóng góp của khu vực này vào GDP sẽ chỉ còn khoảng 20% (con số này hiện là 33%). Sân chơi dành cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ ngày một rộng mở.

Tuy vậy, trước sự trỗi dậy của khu vực kinh tế này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng bản thân khối tư nhân cũng có những lợi thế mà doanh nghiệp Nhà nước không thể có, và có thể khiến cuộc chơi, trong nhiều trường hợp, khó sòng phẳng, công bằng.

Lãnh đạo một công ty lớn trong ngành thép than cho biết nhiều thời điểm, phải chật vật lắm, doanh nghiệp của ông mới mua được quặng, do các đơn vị tư nhân đang dần nắm quyền khai mỏ và họ thích xuất quặng thô hơn là bán cho ngành thép. Sự việc doanh một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Tĩnh qua mặt địa phương để xuất lậu 4.500 tấn quặng sắt giữa năm 2013 được ông dẫn làm ví dụ.

Tình trạng này không phải chỉ doanh nghiệp ông hay chuyện của ngành thép. “Có cả xã hội đen chi phối trong nguồn cung cấp vật liệu” – Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Tăng từng phải thốt lên trong một cuộc họp có sự chủ trì của Thủ tướng năm 2013. Trước đó, hầu hết các mỏ khoáng sản đã được giao cho doanh nghiệp địa phương (phần lớn là tư nhân) khai thác, sau khi các tỉnh được giao quyền cấp phép.

Chuyện cạnh tranh doanh nghiệp công – tư còn nóng lan đến diễn đàn Quốc hội. Khi thảo luận về vai trò kinh tế Nhà nước, một đại biểu, đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp Nhà nước không thể “bạo chi” như tư nhân để vận động hành lang, giành được dự án này dự án khác. Tuy nhiên, cũng ngay trong buổi trao đổi này, đại diện một doanh nghiệp tư nhân lại cho rằng vì là “tiền túi” nên để có những khoản chi nêu trên, đơn vị của bà phải cân nhắc từng đồng.

Nghe xong câu chuyện này, bà chủ một thương hiệu mạnh về đồ uống tư nhân cười to. Bà bảo, khi đem tiền đi lo lót phải cân nhắc lắm vì đó là tiền túi, tiền nhà. “Trong khi họ không cân đo như chúng tôi đâu vì dẫu sao đó cũng là… tiền chùa. Hơn nữa, thực tế những vụ lo lót lớn bị phanh phui toàn là ông chủ doanh nghiệp nhà nước đấy chứ. Chưa kể, khi lobby thì họ lobby cả chính sách để tạo ra lợi thế cạnh tranh, chứ đâu xin một vài chuyện lẻ tẻ như doanh nghiệp tư nhân”, bà giám đốc so sánh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đáng buồn là chưa có nhiều doanh nghiệp Việt cạnh tranh bằng công nghệ, bằng năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm mà hầu hết lại cạnh tranh bằng…quan hệ. Doanh nghiệp lớn thì quan hệ với tỉnh, trung ương. Doanh nghiệp nhỏ thì quan hệ với huyện, xã.

Theo ông, đến cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thiết lập, tạo ra một thị trường thống nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Cho nên, cạnh tranh không thể nhờ quan hệ được nữa mà cần lành mạnh, theo pháp luật. Đó là động lực cần thiết để nâng cao hiệu quả và sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Doanh nói.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2013 cho thấy, hơn một nửa trong số gần 1.000 giấy phép đã cấp là có vi phạm và đều thuộc thẩm quyền của địa phương. Trong đó, hàng trăm trường hợp cấp phép không qua đấu thầu, cả trăm doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đầu tư vẫn được các tỉnh cấp.

  Theo Chí Hiếu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG