Doanh nghiệp nhà nước về... nhì!

Doanh nghiệp nhà nước về... nhì!
TP - Trước đây, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nước ngoài luôn than vãn việc bị phân biệt đối xử so với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi tiếp cận mặt bằng, đất đai. Tuy nhiên, nay gió đã đảo chiều, khi mà nhiều doanh nghiệp nhà nước, thậm chí cả các ông lớn cũng chào thua đối tác nước ngoài và tư nhân trong việc giành được các khu đất vàng.

Cuộc đua giành dự án đất vàng:

Doanh nghiệp nhà nước về... nhì!

Gió đảo chiều

Từ gần 10 năm trước, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã có kế hoạch xin cấp đất xây trụ sở mới để tiện bề giao dịch và xứng tầm với thương hiệu tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam. Bởi hiện tại, trụ sở tập đoàn này vẫn nằm khiêm nhường ở số 226 Lê Duẩn.

Việc xin đất được khởi động từ thời ông Đoàn Văn Kiển (nguyên Chủ tịch HĐQT). Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đồng ý cấp cho Tập đoàn một mảnh đất rộng vài nghìn mét vuông tại vị trí đắc địa mặt đường Phạm Hùng (nay là vị trí của toà nhà Keangnam) cho Vinacomin.

Sau đó, với lý do thành phố cần một công trình kiến trúc có điểm nhấn, nên vận động Vinacomin nhường lại cho đối tác Hàn Quốc, để xây dựng tổ hợp công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower, cao nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Đổi lại, lãnh đạo thành phố hứa cấp lại cho Vinacomin mảnh đất khác rộng hơn, ở vị trí khuất bên trong.

Tuy nhiên, hiệnVinacomin vẫn chưa làm xong được thủ tục cho khu đất mới nói trên. “Tình hình này, không biết bao giờ mới chuyển ra được Mỹ Đình", một lãnh đạo Vinacomin nói.

"Theo tôi, tư nhân hay nhà nước không phải là vấn đề, mà vấn đề ở chỗ phải công khai, minh bạch. Mà tốt nhất là những khu đất vàng này nên thực hiện đấu giá công khai, ai trả cao thì được".

TS Lê Đăng Doanh

Thời gian gần đây, hàng loạt dự án tại các khu đất vàng, được các doanh nghiệp dân doanh thực hiện. Tại Hà Nội, Cty Cổ phần Vincom hiện sở hữu đến ba dự án đều nằm ở các khu đất vàng. Đầu tiên là dự án xây toà tháp đôi 21 tầng ở 191 Bà Triệu, trên nền đất của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo. Từ đây, doanh nghiệp này tiếp tục giành được dự án tại hai khu đất vàng khác là dự án đô thị cao cấp Royal City xây dựng trên khu đất rộng 12ha tại 74 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội).

Dự án trên nền khu đất của Nhà máy công cụ số 1. Dự án tại khu đất vàng mà Vincom sở hữu lớn nhất, đến thời điểm này là dự án "Thành phố sinh thái Eco City", được xây dựng trên diện tích 37 ha tại số 460 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Đây là khu đất do Cty Dệt 8-3 sử dụng, nay chuyển giao lại theo chủ trương di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành của UBND TP Hà Nội.

Tại TPHCM, hai trong số các dự án tại các khu đất vàng cũng thuộc sở hữu của Vincom. Đó là khu đất số 66 - 68 - 70 Lê Thánh Tôn và Công viên Chi Lăng, rộng 10.783m2 và khu đất thuộc Trung tâm Thương mại Eden hiệu hữu, rộng 8.800 m2.

Tại TPHCM, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) cũng khá nổi tiếng với việc có dự án tại các khu đất vàng ở trung tâm thành phố, gồm khu tứ giác Bến Thành, khu Mả Lạng với diện tích khoảng 10ha và khu Hải Triều-Hồ Tùng Mậu-Ngô Đức Kế với diện tích hơn 5.300m2...

Cần đấu giá công khai các khu đất vàng

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Hapro xác định phải tập trung vào hạ tầng bán lẻ nhưng vướng nhất vẫn là vấn đề đất đai. Đi các địa phương nhiều khi doanh nghiệp phải chấp nhận thuê lại những phần đất thừa còn lại của khu đô thị mà các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài được cấp các phần đất đẹp.

Khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, đất vàng đang dần được phần lớn các doanh nghiệp dân doanh, cổ phần giành giật làm dự án. Theo một chủ doanh nghiệp nhà nước, sở dĩ tư nhân hoặc đối tác nước ngoài có được đất vàng là do họ có cơ chế rất linh hoạt.

Họ cũng dám đầu tư bạo tay, bởi lợi nhuận cao và vốn đầu tư là tiền túi của họ. Còn doanh nghiệp nhà nước không thể mạnh tay đầu tư như vậy. Bởi để làm được một dự án ngon như vậy, ngoài vấn đề vốn còn phải có quan hệ tốt. Chưa kể, doanh nghiệp nhà nước không phải ông nào cũng được đầu tư vào bất động sản.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, cho rằng việc hàng loạt các khu đất vàng ở các địa phương được giao cho các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI thời gian qua là một biểu hiện của tình trạng cấp đất chưa công khai minh bạch. Đằng sau việc cấp các khu đất vàng này có nhiều chuyện dích dắc và không phải ai cũng có thể biết được tường tận.

Trong đó có những vấn đề phải làm rõ, như việc vì sao có những đơn vị đáng được cấp đất lại không được cấp? Việc cấp đất vàng cho các doanh nghiệp dân doanh là chuỗi vấn đề về đất đai do giá thu được từ các dự án này tốt, lợi nhuận rất cao nếu như họ chuyển nhượng dự án. Hiện nay vẫn chưa có sự rõ ràng trong việc cấp các khu đất vàng ở các địa phương. Còn vì sao các doanh nghiệp dân doanh được cấp nhiều lô đất vàng có thể do họ có quan hệ tốt với cơ quan chức năng và biết cách vận động hành lang tốt.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cho biết: "Cũng có lý do lâu nay nhiều doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất vàng đấy nhưng không hiệu quả, thậm chí để đất hoang".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG