Doanh nghiệp nhộn nhịp lên sàn UpCom

Sau 6 năm thành lập, đã có hơn 200 doanh nghiệp lên sàn UpCom.
Sau 6 năm thành lập, đã có hơn 200 doanh nghiệp lên sàn UpCom.
TP - Tháng 9 này, Sở GDCK Hà Nội liên tiếp đón nhận những “tân binh” lên sàn UPCoM.  Việc quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất đang tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán  công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Nhộn nhịp lên sàn

Ngày 17/9, MSR chính thức đưa hơn 703,5 triệu cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 15.500 đồng/cổ phiếu. Thông qua việc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, MSR nhắm tới việc đa dạng hóa cơ cấu cổ đông bằng cách thu hút các nhà đầu tư chiến lược là tổ chức quan tâm đến hoạt động khai khoáng và chiến lược phát triển của công ty.

Là thành viên thuộc Tập đoàn Masan, CTCP Tài nguyên Ma San (MCK: MSR) có vốn điều lệ trên 7.035 tỷ đồng, hiện đang quản lý và khai thác mỏ Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Đây là mỏ vonfram trữ lượng lớn mới được đưa vào khai thác trong 15 năm qua. Cùng với vonfram, các sản phẩm khác như florit, đồng và bismut tại mỏ Núi Pháo là các kim loại quý hiếm có ý nghĩa chiến lược đối với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới hiện nay.

1 ngày sau khi CTCP Tài nguyên Ma San chào sàn, Sở GDCK Hà Nội tiếp tục đón thêm 2 tân binh chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM, đó là CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (MCK: TRS) và Công ty Vinalines Logistics - Việt Nam (MCK: VLG). CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải  hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, được biết đến là một đối tác quan trọng về giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi và vận tải nội địa cho hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thị trường Việt Nam hiện nay. Trong 2 năm 2013 và 2014, doanh thu của TRS đạt lần lượt 512,6 tỷ đồng và 468,2 tỷ đồng. Còn Công ty Vinalines Logistics – Việt Nam (MCK: VLG) đã có 8 năm hoạt động trong mảng dịch vụ logistics, xây dựng được mạng lưới hoạt động tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh và tại các cửa ngõ thông thương như Lào Cai, Móng Cái, Lạng Sơn, Nội Bài.

Tăng hỗ trợ cho DN

Ra đời với sứ mệnh phát triển thị trường giao dịch tập trung cho cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng, sau 6 năm UPCoM  đang ngày một lớn khôn. Theo HNX, thị trường UPCoM đã có sự tăng trưởng mạnh về quy mô và thanh khoản. UPCoM index tại ngày 30/6/2015 là 56,26 điểm, giảm 6,7%; giá trị vốn hóa đạt 38,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2014. Thanh khoản trên thị trường tăng mạnh so với năm 2014, bình quân khối lượng giao dịch đạt 2,86 triệu CP/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 40 tỷ đồng/phiên (tăng 30% về khối lượng giao dịch, 81% về giá trị giao dịch so với cả năm 2014 và tăng 89,4% về khối lượng giao dịch, 286,2% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2014). Tính đến 30/6/2015 có 204 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị là 31.055 tỷ đồng. Sở đã thực hiện đăng ký giao dịch mới cho 38 DN với giá trị ĐKGD là 8.575 tỷ đồng và chấp thuận ĐKGD bổ sung cho 5 DN với giá trị là 1.258 tỷ đồng.

Theo HNX, trước khi UPCoM ra đời, giao dịch cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết chủ yếu được thực hiện trên thị trường tự do. Các nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro về thông tin, giá cả và đặc biệt là rủi ro trong thanh toán khi tham gia vào các giao dịch. Việc tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu cũng rất khó khăn. Vì vậy, UPCoM được ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán  công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thời gian tới, Sở GDCK Hà Nội sẽ triển khai một số giải pháp kỹ thuật nhằm hoàn thiện cơ cấu thị trường, khuyến khích các đối tượng tham gia như mở rộng biên độ dao động giá lên +/- 15%, giới thiệu các chỉ số dựa trên cổ phiếu UPCoM, chạy thử nghiệm chỉ số HNX FF UPCoM Index trên cơ sở tính toán khối lượng tự do chuyển nhượng của cổ phiếu giống như cách tính chỉ số HNX Index hiện tại từ ngày 24/6/2015.  

Nhờ có thị trường UPCoM, nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp qua hệ thống công bố thông tin của HNX và của doanh nghiệp. Việc giao dịch tập trung cổ phiếu qua hệ thống giao dịch của HNX cũng được thực hiện dễ dàng và an toàn hơn cho cả người mua và người bán. Trong 6 năm qua, đã có 18 doanh nghiệp chuyển từ UPCoM sang thị trường niêm yết.

MỚI - NÓNG