Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng:

Doanh nghiệp phải được phục vụ thay vì quản lý

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi với các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: PV.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi với các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: PV.
TP - Động viên các doanh nghiệp (DN) “nói thẳng, nói thật, nói hết với nhau” về những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng cam kết: “Các anh chị không phải sợ bị trù dập. Có lãnh đạo cao nhất của thành phố ở đây thì không sợ ai trù dập cả”.

Ngày 8/3, Thành ủy - HĐND- UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và các DN với chủ đề “lắng nghe và đổi mới”.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Theo Bí thư Đinh La Thăng, TPHCM tạo điều kiện tốt nhất để DN phát huy tối đa nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thì thành phố phải cải cách. Vì vậy, lãnh đạo TPHCM rất cần các DN góp ý kiến một cách thẳng thắn về những bất cập, vướng mắc. “DN cần nói thẳng, nói thật những bất cập, những phiền nhiễu, gây phiền hà, gây cản trở hoạt động của DN. Cứ nói rõ địa chỉ chỗ nào chưa tốt, đừng ngại trù dập. Có lãnh đạo cao nhất của thành phố ở đây thì không sợ ai trù dập. Lãnh đạo TPHCM luôn đứng bên cạnh DN để hỗ trợ DN phát triển” - ông Thăng nhấn mạnh. 

“Doanh nghiệp chính là người nộp thuế để nuôi bộ máy này, không có lý gì bộ máy này lại gây nhũng nhiễu, phiền toái cho người nộp thuế nuôi mình”. 

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng

Được Bí thư Thành ủy động viên, bà Huỳnh Thị Kim Dung, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết bệnh viện được thành lập năm 2000 trên khuôn viên 1.000m2 với quy mô 6 tầng, 150 giường. Lúc đó, điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện như vậy là đạt chuẩn, được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, từ năm 2010 khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực thì Bệnh viện Vạn Hạnh không đáp ứng được quy chuẩn mới, nhất là phòng xét nghiệm.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế khuyến khích bệnh viện mua thêm đất ở bên cạnh mở rộng các phòng chức năng. Năm 2013 bệnh viện bỏ ra hơn 100 tỷ đồng mua thêm 2 lô đất bên cạnh nhưng khi xin mở rộng thì không được vì vướng Quyết định 8933 của UBND TPHCM không cho phép mở rộng và xây mới bệnh viện trong nội thành để giảm tình trạng kẹt xe. “Gần ba năm nay, chúng tôi gõ cửa rất nhiều cơ quan nhưng không gỡ được. Chúng tôi thắc mắc là làm trung tâm thương mại, trung tâm ngoại ngữ trong nội thành có kẹt xe hay không mà vẫn liên tục được cấp phép mở ra, còn bệnh viện thì không?” - bà Dung thắc mắc.

Bà Dung còn cho biết thêm: Bệnh viện hiện có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn, cứ 3 tháng lấy mẫu 1 lần. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên môi trường lại yêu cầu làm giấy phép gia hạn đấu nối vào hệ thống nước thải của thành phố và phải thông qua công ty trung gian có 2 kỹ sư môi trường trở lên. “Chi phí đấu nối một năm mất vài chục triệu đồng là quá lãng phí vì chúng tôi có kỹ sư chuyên ngành vận hành và tuân thủ tất cả quy chuẩn. Bắt bệnh viện phải qua công ty khác là vì cớ gì”- bà Dung băn khoăn...

Doanh nghiệp phải được phục vụ thay vì quản lý ảnh 1

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Sài Gòn. Đối thoại với lãnh đạo TPHCM, nhiều DN phân vân phí bốc dỡ không giảm dù giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh: Huy Thịnh.

Loại bỏ cán bộ tiêu cực, gây nhũng nhiễu

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM với ngành cơ khí khuôn mẫu, Bộ Công Thương yêu cầu DN phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trong nước với một trong các tiêu chí là tỉ lệ/thị phần chiếm lĩnh. Trong khi đó, DN trong lĩnh vực khuôn mẫu không đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu này vì hầu hết là DN quy mô nhỏ và vừa.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cho rằng tình trạng hàng nhái, hàng lậu đang dần giết chết các DN dệt may trong nước. “Có DN ra chợ Kim Biên (quận 5) thấy có rất nhiều mặt hàng vải giống mặt hàng DN sản xuất nhưng giá rẻ hơn rất nhiều” - ông Hồng kể. Theo ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên thép Tân Mai, trong khi giá xăng dầu giảm liên tục thì phí bốc xếp tại cảng không giảm, thậm chí còn tăng khiến chi phí tăng, sản phẩm khó cạnh tranh được với các nước. Ngoài ra, thời gian bốc dỡ hàng kéo dài, có khi một lô hàng phải mất vài ngày.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói ngay: “Qua ý kiến của DN, tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND thành phố phân loại cụ thể, báo cáo giải quyết cho Thành ủy, HĐND thành phố, công khai minh bạch cho toàn dân giám sát. Những hiến kế có chất lượng của các DN cần được tiếp thu và được triển khai. Tôi đề nghị hàng tháng UBND thành phố báo cáo giải quyết kiến nghị của DN, không thể chờ một năm mà phải giải quyết thường xuyên, như vậy mới thúc đẩy được DN phát triển”.

Theo ông Thăng, để TPHCM có chất lượng sống tốt trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, ngân hàng, khoa học kỹ thuật hàng đầu trong khu vực thì các cơ quan chức năng, sở ban ngành phải thay đổi tư duy, coi DN là đối tượng để phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. “Thành phố cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng đối với các DN, các chính sách hỗ trợ công khai minh bạch, tạo điều kiện cho tất cả các DN, nhất là các đơn vị làm ăn hiệu quả, không phân biệt thành phần kinh tế…” - ông Thăng nói. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong số 4.320 doanh nghiệp ngừng hoạt động có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi cùng thời điểm này số doanh nghiệp đăng ký mới chỉ khoảng 1 nửa so với giải thể. Nguyên nhân ngừng hoạt động được đa số các doanh nghiệp đưa ra là do sản xuất thua lỗ kéo dài, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường, đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.    

Uyên Phương

MỚI - NÓNG