Doanh nghiệp sản xuất giày da bị bắt chẹt

Doanh nghiệp sản xuất giày da bị bắt chẹt
TP - 7/4 - thời điểm giày da Việt Nam chính thức bị ủy ban Châu Âu áp thuế chống bán phá giá, với thuế suất 16,8%. Không ít doanh nghiệp lúng túng trong việc chuyển hướng thị trường mới.

Vấn đề bức bức xúc nhất hiện nay của các DN là việc tranh mua tranh bán. Để có được đơn hàng, các DN đua nhau hạ giá.

Ông Nguyễn Duy Thuận, TGĐ Cty cổ phần giày Hiệp An (TP.HCM) lấy ví dụ, lẽ ra đơn giá của lô hàng là 1 USD/đôi, nhưng các DN lại tự giảm xuống còn 95 cent với suy nghĩ “thà mất 5% còn hơn mất 100%”.

Nguy hiểm hơn là “Không ông (DN) nào chịu công bố giá với ông nào. Nghịch lý ở chỗ, các DN trong nước không ai biết giá của nhau nhưng khách hàng nước ngoài họ lại biết đơn giá của tất cả các DN trong nước”- ông Thuận nói.

Nguyên nhân do thiếu vai trò “nhạc trưởng” của các Hiệp hội. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày TP.HCM cũng thừa nhận Hiệp hội chưa làm tròn trách nhiệm nhưng cũng cho rằng nguyên nhân khác là từ phía các DN.

“Nhiều lần họp Hiệp hội da giày thành phố cũng kêu gọi các DN bắt tay với nhau để giữ mặt bằng giá nhưng chẳng ai chịu hợp tác vì ai cũng muốn giữ “nồi cơm” theo cách của mình”- ông Kiệt nói.

Hệ quả là DN tự “giết” mình khi để cho khách hàng tha hồ bắt chẹt. Ông Kiệt dẫn chứng, có đơn hàng đáng giá 2,5 USD nhưng vì thiếu đơn hàng nên DN chấp nhận đơn giá 2,4 USD để nuôi quân. Sau khi làm xong lô hàng, khách hàng một mặt tiếp tục đặt hàng DN này với giá 2,4 USD, mặt khác đi đến DN khác ép giá xuống thấp hơn.

Ông Thuận xót xa kể: “Có lúc khách hàng đến ép chúng tôi giảm giá từ 1 USD xuống còn 0,8 USD/đôi. Đơn giá giảm 20% là con số cực lớn đối với việc làm gia công. Biết vậy nhưng không làm thì lấy gì nuôi quân?”.

Tìm thị trường mới ở đâu?

Theo ông Diệp Thành Kiệt- có hai hướng, một là chuyển hướng sang những thị trường ngoài EU, hai là chuyển đổi mặt hàng sản xuất. Tuy nhiên, cả hai hướng đều không đơn giản.

Trước đây, phần lớn các DN Việt Nam đều tập trung vào thị trường EU (có năm 72% kim ngạch xuất khẩu da giày là từ EU) và bỏ trống các thị trường khác. Do vậy, khi sự cố xảy ra các DN Việt Nam trở tay không kịp vì đã quá lệ thuộc vào thị trường này.

“Mỹ được xem là thị trường giàu tiềm năng nhất và không ít doanh nghiệp đang nhắm tới nhưng rất khó vào”- ông Nguyễn Duy Thuận nhận xét. Sở dĩ như vậy, theo ông Thuận, đặc điểm của thị trường này là mua đứt bán đoạn nên muốn bán được phải nhờ vào thương hiệu nổi tiếng.

Trong khi đó, các hãng nổi tiếng đã hình thành hệ thống chân rết cung cấp hàng rất chặt chẽ từ các quốc gia nên các DN Việt Nam không thể một sớm một chiều thâm nhập vào hệ thống của họ.

Mặt khác, theo ông Trần Ngọc Luận- Phó chủ tịch Cty giày Thái Bình (Bình Dương), do không chủ động về nguyên liệu, mẫu mã nghèo nàn và giá thành cao nên giày Việt Nam chưa đủ sức để cạnh tranh với giày Trung Quốc không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Đông âu, Bắc Mỹ, châu Á…

Ông Thuận cũng xác nhận, trước đây giày Hiệp An có xuất đi Nhật nhưng sau không tiếp tục được nữa vì không cạnh tranh lại giày Trung Quốc. “Vấn đề là khả năng cạnh tranh của chúng ta kém chứ không phải không có thị trường”- ông Vũ Văn Minh- TGĐ Giày Việt đúc kết.

Theo ông Thuận, Mexico là nơi các DN Việt Nam có thể vào được bởi hàng Trung Quốc bị đánh thuế rất cao nên không vào được thị trường này. Từ Mexico, giày Việt Nam có thể sang Mỹ và Canada. Nhiều khách hàng Mexico đã gặp các DN Việt Nam tại một hội chợ chuyên ngành da giày gần đây tại Mỹ, cũng như trực tiếp đến Việt Nam để tìm hiểu.

Hiệp An và một số đối tác Mexico về cơ bản đã thống nhất mẫu mã, đang đàm phán về giá cả. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 4 hoặc tháng 5 này sẽ ký hợp đồng. “Nhưng số lượng cũng như quy mô đơn hàng rất nhỏ, không đáng kể bởi họ chưa biết ta là ai nên còn thăm dò”- ông Thuận cho biết. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.