Doanh nghiệp sữa có dấu hiệu thao túng, chuyển giá

Giá sữa tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Ảnh: Như Ý.
Giá sữa tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Ảnh: Như Ý.
TP - Theo thông báo của Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa cho đến hết ngày 31/12/2016. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cảnh báo những dấu hiệu thao túng thị trường và chuyển giá của các doanh nghiệp sữa.

Giá trong nước cao hơn khu vực

Số liệu từ Cục Quản lý Giá cho thấy, hiện có 708 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện đăng ký, kê khai giá tối đa tại cơ quan nhà nước. Dù đã giảm 0,1-34% so với thời điểm trước khi nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn (tháng 6/2014), nhưng thực tế giá bán sữa bột trong nước vẫn đang cao hơn phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu do Vụ Kinh tế Tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, người dân trong nước đang mua với giá 16 USD/kg, trong khi Thái Lan 14 USD, Philippines 12,9 USD, Malaysia 10,9 USD và Indonesia chỉ 9,5 USD.

Lý do chênh lệch, theo giải thích của Bộ Tài chính, là có nhiều yếu tố, như: Môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng... “Dựa vào đó mà các nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia”, Cục trưởng Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn nói.

Chưa hết, trên thị trường thế giới, giá nguyên liệu sữa đã giảm mạnh suốt thời gian qua, nhưng giá sữa trong nước vẫn neo cao. Ông Tuấn giải thích: Để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cần nhiều loại vitamin, khoáng chất... “Sữa nguyên liệu chỉ là một trong số các yếu tố cấu thành giá, giá bán của các doanh nghiệp sản xuất trong nước”, ông Tuấn nói. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mà còn sản xuất sữa bột cho các đối tượng người tiêu dùng khác, milo, thức ăn chăn nuôi, bánh kẹo...

Nghi vấn chuyển giá, thao túng thị trường

Ông Tuấn còn cho biết, thực tế quản lý gần một năm qua cho thấy, không ít doanh nghiệp sản xuất, phân phối cung cấp chứng từ tờ khai thông quan hải quan với mức giá không đổi so với trước. “Điều này đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Trước tình hình đó, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, đánh giá tình hình, phối hợp với các cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan thương vụ về xem xét, rà soát và kiểm tra”, ông Tuấn cho hay.

Nghi vấn chuyển giá vẫn cần nhiều đơn vị chức năng làm rõ, cơ quan quản lý giá phải tạo ra sự ổn định cho thị trường đối với dòng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đánh giá kết quả gần một năm thực hiện bình ổn mặt hàng này đạt được kết quả tích cực, song ông Tuấn cũng thừa nhận rằng: Thị trường phân khúc này vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường.

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng. Một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định như: Đăng ký giá chưa đầy đủ, giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, cao hơn giá niêm yết; Không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ, chưa đúng quy định. Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn ra, như tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng...

Trước những diễn biến đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa đến hết 31/12/2016.

Tổng số tiền xử phạt thu được từ vi phạm về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa gần 520 triệu đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy khoảng 42 triệu đồng.

MỚI - NÓNG