Doanh nghiệp tàu thủy và đường sắt nợ thuế khó đòi

Máy móc mới được Vinashin nhập về bị bỏ lại cảng Hải Phòng cả chục năm nay do không có tiền đóng thuế. Ảnh: Phạm Thanh.
Máy móc mới được Vinashin nhập về bị bỏ lại cảng Hải Phòng cả chục năm nay do không có tiền đóng thuế. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có văn bản hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế của Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC (tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin) và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Theo đó, tại văn bản 742/TCT-QLN, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội khi được Tổng cục Hải quan yêu cầu thì phối hợp cưỡng chế thu hồi nợ thuế của SBIC, bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế phối hợp để cưỡng chế thu hồi nợ thuế của SBIC.

Tổng cục Thuế từng 2 lần ra văn bản giao Cục Thuế Hà Nội thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế với SBIC trong năm 2016, nhưng chưa thực hiện được. Tính tới hết năm 2015, SBIC còn nợ thuế hơn 133 tỷ đồng, và xếp thứ 2 trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất cả nước do Bộ Tài chính công bố. Số tiền nợ thuế này SBIC vẫn chưa trả được, tới nay còn cộng thêm tiền lãi, phạt chậm nộp... 

Chiều 21/3, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng Giám đốc SBIC cho biết, đã nhận được văn bản thu nợ thuế của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, ông Đồng cho hay, do công ty còn khó khăn nên vừa gửi văn bản tới Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để đề nghị chưa xử lý số nợ thuế trên. “Theo yêu cầu của Chính phủ, hiện toàn bộ nguồn thu của SBIC phải chuyển về nguồn thu tái cơ cấu do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý để trang trải các khoản nợ từ thời xảy ra vụ Vinashin, nên không còn tiền trả nợ thuế”, ông Đồng nói. 

Ông Đồng thừa nhận, hiện SBIC đang rất khó khăn, năm 2015, khi Bộ Tài chính công bố số thuế của công ty còn nợ (hơn 133 tỷ đồng), công ty đã phải vài lần có văn bản xin hoãn thu khoản nợ thuế này.

Đại diện  SBIC lý giải, công ty mẹ có một số đơn vị hạch toán phụ thuộc và trực tiếp ký các hợp đồng đóng tàu, nhập khẩu máy móc, thiết bị về cho các công ty con, nên phát sinh thuế. Do các đơn vị hạch toán phụ thuộc, nên đương nhiên nợ thuế thuộc công ty mẹ. Khi Vinashin chuyển thành SBIC thì số nợ thuế của công ty mẹ cũng được chuyển lại và nợ tới nay. Hiện công ty mẹ của SBIC không còn trực tiếp sản xuất, chỉ thực hiện tái cơ cấu, định hướng, làm thị trường hỗ trợ các công ty thành viên, nên số thuế phát sinh không nhiều.

Tổng cục Thuế cũng vừa có công văn gửi Cục Thuế Hà Nội thể hiện không đồng ý với việc hoãn cưỡng chế thu hồi tiền thuế đất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) còn nợ. Tổng cục Thuế cho rằng, với các quy định hiện hành, số tiền thuế đất VNR còn nợ không thuộc diện được hoãn cưỡng chế, gia hạn, nộp dần tiền thuế nợ. Điều này đồng nghĩa, Cục Thuế Hà Nội sẽ phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế đất của VNR. Được biết, số tiền thuế đất của VNR còn nợ liên quan tới khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội – phạm vi ga Gia Lâm). Theo báo cáo của VNR, lô đất trên rộng 203.873m2, hết năm 2016, số tiền thuê đất tạm tính còn nợ là trên 27 tỷ đồng. Khu đất trên VNR cũng từng chia nhỏ để cho nhiều cá nhân, tổ chức thuê lại sai quy định.

Tháng 7/2016, Tiền Phong từng có loạt bài “Máy móc nhập khẩu hàng trăm tỷ đồng đắp chiếu”, phản ánh tình trạng hàng chục lô máy móc, thiết bị tàu biển của Vinashin nhập khẩu bị “bỏ rơi” nhiều năm ở các cảng biển khu vực Hải Phòng. Các lô hàng này bị “bỏ rơi” từ năm 2008-2009 tới nay, vì khi nhập về cảng Vinashin không nộp các khoản thuế nhập khẩu (và một số chi phí khác) nên không được thông quan.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.