Doanh nghiệp thiệt hại nặng vì thiên tai

Doanh nghiệp thiệt hại nặng vì thiên tai
TP - Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thảm họa của Liên Hợp Quốc (LHQ), thảm họa thiên nhiên ngày càng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh.

> Hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo
> Mưa lũ Bắc Kạn, 3 người chết, mất tích

Cơn bão Sơn Tinh cuối tháng 10/2012 khiến tháp truyền hình cao 180m, trị giá hàng chục tỷ đồng ở Nam Định đổ sập. Ảnh: Minh Đức
Cơn bão Sơn Tinh cuối tháng 10/2012 khiến tháp truyền hình cao 180m, trị giá hàng chục tỷ đồng ở Nam Định đổ sập. Ảnh: Minh Đức.

Theo báo cáo tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ TT&TT, năm 2012, bão lũ và gió lốc gây thiệt hại mạng lưới của 32 đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) với 3.116 cột bê tông treo cáp bị gẫy, gần 9.479 cột bị đổ, trên 140 km cáp quang bị đứt, hỏng. Riêng cơn bão Sơn Tinh (cuối tháng 10/2012) gây thiệt hại 37,6 tỷ đồng.

Sét cũng gây ra 457 sự cố làm thiệt hại 9,7 tỷ đồng. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng bị thiệt hại 18 cột anten, đứt 92 tuyến cáp quang, mất điện trên diện rộng với 4.280 trạm trong năm 2012, chủ yếu là do bão, lũ. Kinh phí để khắc phục hậu quả trên ước tính 35 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Diện, Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, cho biết: “Sau 5 năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thiệt hại về người giảm 8%, nhưng thiệt hại về kinh tế có xu hướng tăng”.

Trong khi đó, báo cáo đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thảm họa của LHQ công bố tuần trước cho thấy thảm họa ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh. Giai đoạn 1981-2011, thiệt hại do thảm họa ở 40 quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình (trong đó có Việt Nam) là 305 tỷ USD.

“Các rủi ro sẽ không chỉ dừng lại ở cổng các nhà máy”, báo cáo viết. Doanh nghiệp phụ thuộc hạ tầng các hệ thống đô thị. Thiệt hại do thảm họa gây ra với hệ thống giao thông, năng lượng làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và tạo thêm chi phí. Thảm họa còn ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp qua các tác động như thị phần có thể mất vào tay đối thủ cạnh tranh, mất niềm tin với đối tác hay quan hệ với các nhà cung ứng chính có thể bị mất.

Cần đưa quản lý thảm họa vào quản lý rủi ro

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang khiến thiên tai ngày càng khó đoán định và có xu hướng gia tăng, TS Rajendra K Pachauri, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu, nói.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, nhận định, sự dị thường của thiên tai, thời tiết những năm qua đã vượt khỏi những kinh nghiệm thời tiết truyền thống.

PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, cho biết khu vực đổ bộ của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam. Số lượng các cơn bão rất mạnh, các cơn bão có diễn biến trái quy luật có xu hướng gia tăng.

Ở Bắc Bộ, hai thập kỷ qua, số đợt không khí lạnh ở Việt Nam giảm rõ rệt, trong khi số trận lũ quét gây thiệt hại lớn ở thập niên 1991-2000 tăng gấp 15 lần so với thập niên 1970-1980. Từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước xảy gần 35 đợt lốc xoáy, mưa đá.

Theo ông Nguyễn Xuân Diện, phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa coi trọng việc lường trước tác động của thảm họa thiên tai. Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra vấn đề quản lý rủi ro của doanh nghiệp hiện nay mới tập trung chủ yếu vào rủi ro tài chính, kinh tế, thị trường, pháp lý, hiếm khi rủi ro thảm họa thiên tai được đề cập. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu nhận thức về rủi ro hoặc thiếu năng lực trong quản lý rủi ro.

Tuyên dương khu dân cư bảo vệ môi trường

Nhân kỷ niệm ngày môi trường thế giới 5/6, hôm qua, Bộ TN&MT phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tuyên dương 31 phường, xã, như xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn, phường Hòa Minh (quận Liên Chiều, Đà Nẵng)…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG