Doanh nghiệp thủy sản “tố” bị văn bản làm khó

TP - Trả lời câu hỏi “văn bản pháp luật nào gây vướng mắc, bức xúc nhất cho doanh nghiệp”, các doanh nghiệp thủy sản đều cho hay, đó chính là Nghị định 38/2012/ND-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau hơn một năm khảo sát, đánh giá ý kiến của các doanh nghiệp thủy sản-thực phẩm trên toàn quốc, khi trả lời câu hỏi “văn bản pháp luật nào là gây vướng mắc, bức xúc nhất cho doanh nghiệp”, các doanh nghiệp cho biết đều bị Nghị định 38/2012/ND-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm làm khó.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và VASEP đã đưa ra những bằng chứng cho thấy, Nghị định 38/2012/ND-CP quy định hành chính không có trong Luật An toàn thực phẩm, trái luật.

Ông Nam cho hay: “Quy định này không biết từ đâu ra và đã gây ra “chuỗi” những sự nhiêu khê, không căn cứ và vô cùng bức xúc cho hàng nghìn doanh nghiệp thực phẩm trên toàn quốc. Nếu Nghị định 38/2012/ND-CP không được sửa đổi triệt để, sẽ là  một “tảng đá” chính tạo nên việc một số chỉ số của các Nghị quyết 19/2016, Nghị quyết 19/2017 và Nghị quyết 35/2016 hay cả Chỉ thị 26/CT-TTg mà Thủ tướng Chính phủ mới ký 6/6/2017 sẽ không bao giờ đạt được”.

Theo đại diện VASEP, quy định doanh nghiệp phải xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm được nhiều chuyên gia đánh giá là trái luật,  ít hiệu quả, là không nước nào trên thế giới làm như vậy. Điều đáng nói, các quy định nêu ra đều trái tinh thần nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Thậm chí tại cuộc họp đối thoại giữa VASEP và Bộ Y tế ngày 13/5/2017, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, đại diện Bộ Y tế đã công nhận và khẳng định đó là “nội dung trái luật, không có trong Luật An toàn thực phẩm” và cam kết sẽ sửa đổi các văn bản liên quan trong 2 tháng.

Đại diện VASEP cho biết, do quy định này mà thời gian để xin cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy dài hơn nhiều so với quy định do các thủ tục xét duyệt phức tạp, dù sản phẩm đã được kiểm nghiệm và xác nhận đạt chất lượng theo quy chuẩn. Bên cạnh đó, Nghị định 38 quy định giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy được cấp trong 7 ngày, nhưng từ 2 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm thời gian để được cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy mất 3 tháng hoặc lâu hơn nữa kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ, và phải trải qua nhiều lần bổ sung hồ sơ, mỗi lần thường yêu cầu lại khác nhau.

“Các tiêu chí để thẩm xét công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không rõ ràng, thậm chí vô lý, khiến việc hiểu và đáp ứng được yêu cầu của cán bộ thẩm xét rất khó khăn. Chưa kể, thủ tục này là một loại giấy phép con, không cải thiện gì về chất lượng sản phẩm, chỉ làm mất thời gian và tốn kém của doanh nghiệp”, VASEP khẳng định và cho rằng, những thủ tục phức tạp này thực tế đã không giúp cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm như mục tiêu đề ra.

MỚI - NÓNG