Doanh nghiệp tự cứu mình

Vina T&T đang đẩy mạnh thị trường nội địa
Vina T&T đang đẩy mạnh thị trường nội địa
TP - Trước làn sóng COVID-19 mới, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã chủ động lên kịch bản để tự cứu mình.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, doanh nhân phải tự cứu công ty mình trước, các doanh nghiệp phải tự lên kế hoạch duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, tìm đơn hàng mới, thay đổi sản phẩm để sống sót. Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, nói: “Ngồi than thở có ích gì vì ai cũng khó khăn. Thay vì vậy, chúng tôi tìm cách xoay chuyển, trở mình, tìm cơ hội trong gian khó”.

Sau thời gian dài chuyên xuất khẩu nguyên liệu (chủ yếu là hạt tiêu), Phúc Sinh đã chủ động mở rộng sang chế biến sâu, tập trung phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng để xuất khẩu và bán tại nội địa, trong đó có hạt tiêu, cà phê, trà. Mới đây, công ty tung ra hàng loạt sản phẩm mới như trà làm từ vỏ cà phê, tiêu hồng sấy lạnh, sốt tiêu xanh... “Thay vì xuất khẩu thì nay chúng tôi tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài chất lượng ngoại, giá nội, chúng tôi còn tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã, bao bì. Mình phải tạo ra sự hứng thú cho khách hàng, thấy là muốn mua”, ông Thông nói.

Trong khi đó, Vina T&T Group chú trọng cải tiến công nghệ bảo quản trái cây lên tới 45 ngày. “Đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Úc, châu Âu… vẫn rất thuận lợi. Điều chúng tôi lo là nếu giãn cách xã hội lần nữa sẽ gây khó khăn cho việc nhập hàng, xuất hàng”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, nói. Hiện nay, công ty đẩy mạnh showroom trái cây trong nước, trước đây chủ yếu giới thiệu, chào hàng sản phẩm mới thì nay trở thành địa điểm mua hàng quen thuộc của nhiều người Sài Gòn. “Không chỉ bán tại chỗ, chúng tôi còn đẩy mạnh bán hàng online, giao tận nơi… Chúng tôi đang đẩy mạnh thị trường trong nước, sắp tới mở thêm cửa hàng trái cây xuất khẩu thứ 2 tại TPHCM”, ông Tùng nói.

Nhiều cơ sở dệt may cũng chủ động chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng bình dân. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Thái Sơn, ông Trần Việt Anh, nói rằng, các quốc gia đang tập trung vào sản phẩm y tế, sức mua hàng xa xỉ, quần áo giảm, nên công ty đang tập trung sản xuất bao bì, găng tay, túi đựng rác… Ông Hùng Trần, chủ cơ sở dệt may Thiên Long ở quận 12, cho biết, trước đây cơ sở chuyên sản xuất veston, sơmi cao cấp cho các đơn vị xuất khẩu thì hiện nay chỉ tập trung xuất xưởng sơmi, áo khoác bình dân, tiến tới sản xuất đồ bảo hộ lao động, khẩu trang vải…

Lập hội nhóm và bán hàng qua mạng cũng trở nên hiệu quả đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Ông Võ Trường Phát, chủ một cơ sở sản xuất, gia công các mặt hàng gỗ gia dụng ở huyện Củ Chi, cho hay, hơn nửa năm nay, công ty hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online, sản xuất theo đơn đặt hàng qua Zalo, Facebook, Viber.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.