Doanh nghiệp vận tải ô tô giường nằm “phát sốt”

Hầu hết xe đi các tuyến trên 300 km tại các bến xe Hà Nội là xe giường nằm. ảnh: Ngọc Châu
Hầu hết xe đi các tuyến trên 300 km tại các bến xe Hà Nội là xe giường nằm. ảnh: Ngọc Châu
TP - Sau khi biết Bộ GTVT đưa ra kế hoạch không cho phép xe giường nằm hoạt động trên đường đồi núi quanh co, hàng chục doanh nghiệp (DN) vận tải có xe giường nằm đang hoạt động tại các bến xe Hà Nội đã lo lắng. Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, cần phải có lộ trình và nên phân loại đường để cấm.

Với 30 đầu xe hoạt động tại bến Mỹ Đình, hiện hãng Vận tải Hưng Thành (Cty TNHH Hưng Thành) là một trong các hãng có xe chạy đến các tỉnh miền núi phía Bắc nhiều nhất. 

Ông Nguyễn Đức Sinh, Trưởng ban điều hành hãng vận tải Hưng Thành cho biết, hơn 1 năm qua do hầu hết xe khách chạy trên các tuyến này chuyển đổi sang xe giường nằm, buộc DN ông cũng phải thay đổi toàn bộ số xe hiện có sang xe giường nằm. 

Theo ông Sinh, kinh phí đầu tư cho một xe giường nằm khoảng 3,5 tỷ đồng, đắt hơn nhiều cho với xe ghế ngồi, hơn nữa số lượng khách chở cũng ít hơn. Do vậy nếu Bộ GTVT có chủ trương cấm các xe giường nằm chạy các tuyến đường miền núi đồng nghĩa với việc DN dừng hoạt động. 

Cũng là một trong những DN có số lượng xe chạy các tỉnh miền núi nhiều, đại diện lãnh đạo hãng vận tải Hà Sơn cho biết, ngoài được cơ quan chức năng ở hai đầu bến chấp thuận, để xe hoạt động được Cục Đăng kiểm cũng kiểm tra và cấp chứng nhận xe đạt tiêu chuẩn an toàn. Do vậy kế hoạch của Bộ GTVT cần có lộ trình.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện các bến xe trên địa bàn Hà Nội có khoảng 50 DN với trên 130 nốt chạy lên các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung ở các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa; trong đó bến xe Mỹ Đình chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 40 DN với 139 nốt chạy đến hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang…

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, cách đây vài năm chỉ có 1, 2 tuyến chạy cự ly dài trang bị xe giường nằm nhưng gần đây do nhu cầu của người dân tăng cao nên hầu hết được DN đầu tư nhiều.

Cấm đường liên huyện, liên tỉnh

Đại diện nhiều hãng vận tải đang hoạt động tại các bến xe tại Hà Nội đề xuất, trước mắt các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cần rà soát và có thông báo rộng rãi những tuyến đường nào đủ điều kiện, những tuyến nào không đủ điều kiện. Với các khu vực không đủ điều kiện, xe giường nằm bị cấm, vẫn cho DN chạy đến đây và có trách nhiệm san tải, đưa khách đi các chặng đường còn lại. 

“Về lâu dài, Bộ GTVT nên cho DN lộ trình từ 10 đến 15 năm để chuyển đổi vì hầu hết các xe giường nằm hiện vừa được đầu tư, niên hạn sử dụng còn 10 đến 15 năm”, ông Nguyễn Xuân Trường, GĐ Cty Vận tải Trường Vịnh đề xuất.

Theo ông Trường, việc phải chuyển đổi xe ghế ngồi thành giường nằm là theo nhu cầu của hành khách và việc này lâu nay cũng được Cục Đăng kiểm cho phép và cấp chứng nhận an toàn. “Xe giường nằm do phải gia công thêm khâu hoán cải nên thường đắt gấp đôi xe ghế ngồi, hơn nữa thường chỉ chở tối đa được 38 người, trong khi xe ghế ngồi chở 45 đến 47 nên thực tế DN không muốn đầu tư loại xe này, chứ không phải chạy theo phong trào”.

Một số chuyên gia vận tải cũng cho rằng, xe ghế ngồi hay giường nằm hoạt động an toàn hay không là nằm ở công tác quản lý. Một chiếc xe chở gần 50 người, nhưng hoạt động trong bán kính 20 đến 30 km nhưng không có lộ trình tuyến, không bị kiểm soát là điều vô lý. 

Với xe giường nằm, các chuyên gia cho rằng Bộ GTVT có chủ trương cấm hoạt động tại các tuyến đường đồi núi là đúng, về lâu dài cũng cần phải xem lại loại xe này, vì trên thế giới không có nước nào có xe giường nằm như Việt Nam. 

“Việc xe giường nằm phát triển rầm rộ, thậm chí trở thành mốt trong hoạt động vận tải hành khách đường dài như hiện nay là hậu quả của việc cơ quan quản lý đã không ý thức hậu quả”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nói.

Theo ông Thanh, xe giường nằm hiện nay đã quá nhiều, với một số DN có xe chạy đến các tỉnh vùng cao như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu… đã chuyển hết sang xe giường nằm. Do vậy cùng với không cho sản xuất, hoán cải loại xe này trước mắt cần có phương pháp quản chặt chứ không nên cấm ngay. Với các tỉnh miền núi nên phân vùng hoạt động và chỉ cho chạy trên đường QL, cao tốc, riêng các đường liên tỉnh, liên huyện cấm đi vào.

MỚI - NÓNG