Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá

Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá
TP - Đợt tăng giá xăng dầu lần này không quá đột ngột như những lần trước, nên các doanh nghiệp vận tải có đủ thời gian để tìm kiếm những sách lược nhằm giảm thiệt hại ...

Ông Hồ Thới Hùng – Giám đốc DNTN Vận tải Hùng Cường nói: Cả tuần nay chúng tôi tranh thủ thực hiện cho xong mấy cái hợp đồng vận chuyển hàng đã ký hồi đầu tháng.

Nhiều hợp đồng lớn, theo thỏa thuận ban đầu, chúng tôi phải chở hàng theo điều động của khách hàng (sau khi họ hoàn tất hợp đồng thuê mướn kho bãi) và dự kiến phải đến đầu tháng 3 mới hoàn tất hợp đồng.

Nếu tuân thủ thì lỗ sặc gạch. Không còn cách nào khác đành phải vận động khách hàng cho chở cấp tập nhằm kết thúc sớm hợp đồng.

Theo tính toán của ông Hùng, chi phí nhiên liệu đối với hoạt động vận tải hàng hóa chiếm đến 30 -35% cơ cấu giá thành vận chuyển (tùy loại và đời xe).

“Nếu tổng chi phí mỗi chuyến là 1 triệu đồng thì chỉ riêng xăng dầu đã chiếm từ 300 -350 nghìn đồng. Dầu Diezel đợt này tăng 3.700 đồng/lít, tăng hơn 30% so với giá cũ nên phí nhiên liệu sẽ vọt lên 411 – 480 nghìn đồng/chuyến.

Việc điều chỉnh giá trên các hợp đồng cũ là gần như không thể nên nhiều DN vận tải chỉ còn cách chạy đua với thời gian. Và, dù đã chạy hết công suất, tính đến 11 giờ trưa 25/2, DN Hùng Cường còn khoảng hơn 100 tấn hàng nằm rải rác tại các cảng” - Ông Hùng cho biết.

Sáng 25/2, nhiều DN vận tải đã rục rịch tăng giá cước sau khi có thông tin chính thức về việc cho phép các DN kinh doanh xăng dầu tăng giá. Và, mỗi nơi tăng giá mỗi kiểu, thông qua hình thức DN tự thương lượng với khách hàng.

Tại TPHCM, khảo sát tại một số DN cho thấy giá cước vận tải bình quân đã tăng từ 7 -12% so với đầu tháng.

Ngay sau khi có thông tin xăng dầu tăng giá, Ban giám đốc Cty vận tải Phương Trang đã họp khẩn cấp để bàn về kế hoạch tăng giá cước vận tải.

Và ngay sau khi kết thúc cuộc họp vào cuối ngày 25/2, ông Ngô Văn Giáp- Phó Giám đốc Cty cho Tiền phong biết Cty Phương Trang sẽ phải tăng giá cước vận chuyển ngay vào những ngày cuối tháng 2 này hoặc chậm nhất vào đầu tháng 3/2008.

Doanh nghiệp dệt may khó khăn

Theo ông Nguyễn Hữu Bình- Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc xăng dầu tăng giá lần này sẽ có tác động lớn đến ngành dệt may kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Hiện tại ngành dệt sử dụng khoảng 50% sợi Polyester (PE- sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ). Khi giá dầu tăng, sợi PE cũng tăng theo khiến các doanh nghiệp sản xuất sợi phải nghiêng sang sản xuất sợi có nguồn gốc từ tự nhiên (bông vải) và làm cho loại sợi này tăng giá vì khan hiếm.

Hiện có đến 90% bông vải và 100% sợi bông vải đang sử dụng tại Việt Nam được nhập từ các nước.

Giá sắt thép sẽ tăng

Trao đổi với Tiền phong, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết hiện mỗi tấn thép gia công tiêu hao hết 40kg dầu Ma-dút.

Như vậy với việc tăng thêm 1.000 đồng/ kg dầu Ma-dút thì mỗi tấn thép sẽ phải cộng thêm 40.000 đồng vào giá thành sản xuất.

Theo kế hoạch sản xuất của ngành thép, sản lượng năm 2008 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn, tức là ngành thép sẽ phải chi thêm 160 tỷ đồng khi mà giá dầu Ma-dút tăng.

Ông Cường cũng cho biết hiện chưa thể tính cụ thể sẽ tăng thêm bao nhiêu phần trăm vào giá thép khi giá cước vận tải tăng.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn là cước vận tải, nguyên liệu sản xuất thép cũng sẽ tăng, chi phí vận tải thép đến các công trình cũng bị đội giá…

MỚI - NÓNG