Doanh nghiêp Việt bỏ phí 'cơ hội lúa gạo' ở CPC

Doanh nghiêp Việt bỏ phí 'cơ hội lúa gạo' ở CPC
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia vào Liên minh châu Âu (EU) 5 tháng đầu năm 2011 tăng đột biến ở mức 216%, đạt 29,4 triệu USD (so với 9,3 triệu USD năm 2010).

Doanh nghiêp Việt bỏ phí 'cơ hội lúa gạo' ở CPC

> 7 tháng, VN xuất khẩu được hơn 4,5 triệu tấn gạo
> Giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia vào Liên minh châu Âu (EU) 5 tháng đầu năm 2011 tăng đột biến ở mức 216%, đạt 29,4 triệu USD (so với 9,3 triệu USD năm 2010).

Lễ ký thỏa thuận thành lập liên doanh Cavifoods ngày 5-10-2009 tại thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: Trần Long(Vietnam+)
Lễ ký thỏa thuận thành lập liên doanh Cavifoods ngày 5-10-2009 tại thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Trần Long(Vietnam+).

Trong khi nhiều nhà xuất khẩu lúa gạo Campuchia có vốn đầu tư nước ngoài đã dễ dàng tận dụng tốt ưu thế EBA (mọi mặt hàng trừ vũ khí) của EU, thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bỏ phí cơ hội ở quốc gia láng giềng, nơi cực kỳ thuận lợi về mặt địa lý và đã dôi dư đến 2,1 triệu tấn lúa trong năm 2010.

Với cơ chế EBA dành cho Các nước chậm phát triển (LDCs), việc Campuchia đang được hưởng ưu đãi thuế suất bằng không và miễn quota xuất khẩu vào EU đã tạo cơ hội có một không hai cho nông sản của đất nước Chùa Tháp, đặc biệt là lúa gạo, thâm nhập thị trường EU.

Phát biểu trong cuộc hội thảo tại Phnom Penh mới đây, các quan chức thương mại và thuế quan EU không dưới vài lần nhấn mạnh về việc các nhà xuất khẩu gạo Campuchia có thể tận dụng hơn nữa lợi thế miễn thuế xuất khẩu vào EU, đặc biệt khi các điều kiện nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được nới lỏng hơn bao giờ hết.

Theo đó, quy định mới chỉ bắt buộc Campuchia “sản xuất” 40% giá trị hàng hóa xuất vào EU, thay vì tỷ lệ 70% áp dụng trước thời điểm tháng 1-2011.

Trên thực tế, việc một số doanh nghiệp Việt Nam tận dụng địa bàn láng giềng để tranh thủ đưa chính lúa gạo Campuchia vào thị trường EU đã được đề cập tới trong một cuộc hội thảo về xúc tiến thương mại lúa gạo Campuchia-EU hồi tháng 10 năm ngoái.

Chưa thể có con số thống kê chính xác về số lượng gạo Campuchia hưởng quy chế EBA được doanh nghiệp Việt Nam xuất sang EU, nhưng rõ ràng các công ty nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Campuchia đang dễ dàng “thu trái ngọt” từ vựa lúa trù phú ước đạt 4 triệu tấn trong năm 2011.

Ngoài thị trường EU, các công ty nông sản Campuchia có vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngừng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Công ty KOGID (có vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã xuất lô gạo đầu tiên khoảng 300 tấn vào thị trường Trung Đông trong tháng 6-2011, trong khi có kế hoạch đưa gạo sang Nga vào năm 2012. KOGID không giấu giếm tham vọng tăng lượng gạo xuất khẩu lên 50.000 tấn vào năm 2015.

Theo ông Vũ Thịnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Campuchia, hiện giá gạo tiêu chuẩn xuất sang thị trường các nước EU hiện có thể đạt gần 1.000 USD/tấn, trong khi các thị trường ngoài EU chỉ dao động từ 400-500 USD/tấn

Sớm nhưng chậm

Nếu gạo Campuchia chính thức được hưởng thuế suất 0% vào EU từ tháng 8-2009, thì chỉ hai tháng sau, sự ra đời của Công ty liên doanh Lương thực Campuchia-Việt Nam (Cavifoods) có vốn điều lệ 8 triệu USD - với mục tiêu sản xuất, thu mua, vận chuyển, chế biến, bảo quản và các dịch vụ trong lĩnh vực lương thực ở Campuchia - đã mở ra nhiều hy vọng về chiến lược đầu tư quy mô và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam tại một thị trường lúa gạo đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án xây dựng nhà máy chế biến và hệ thống nhà kho gần thủ đô Phnom Penh của Cavifoods vẫn dẫm chân tại chỗ vì còn chờ các cơ quan hữu quan Campuchia phê duyệt.

Những hoạt động kinh doanh chính của Cavifoods chỉ dừng lại ở mức thu mua lúa gạo tại Campuchia để xuất về Việt Nam, và đang thương thảo một vài hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines.

Thủ tục hành chính nhiêu khê và chồng chéo trong cấp phép tại Campuchia phần nào là nguyên nhân cho sự chậm trễ của nhà đầu tư Việt Nam, nhưng không thể không nhắc tới các bước triển khai kinh doanh còn thiếu đồng bộ và thông tin tại nước láng giềng.

Trong khu vực lúa gạo, dường như doanh nghiệp Việt Nam đang tỏ ra lép vế trước các đối thủ nước ngoài tại Campuchia. Từ tháng 3-2011, Toyota Tsusho - công ty con của Toyota Motor Corporation (Nhật Bản) - đã bắt tay cùng đối tác Thái Lan là Huay Chuan Rice Co để đầu tư vào khu vực lúa gạo Campuchia.

Và không cần tìm đâu xa, liên doanh này đã chọn chính tỉnh Takeo nằm sát đường biên với Việt Nam để xây dựng một nhà máy xay sát và chế biến gạo xuất khẩu. Nằm cách hải cảng huyết mạch Sihanoukville của Campuchia 150km về phía Đông, đây chính là “bệ phóng” lý tưởng cho mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo của Chính phủ Campuchia.

Trong khi đó, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Thái Lan, Asia Golden Rice Co cũng đang thương thảo liên doanh với các đối tác khác của Nhật Bản để đầu tư vào khu vực nông nghiệp Campuchia.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hồi tháng 4-2011, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Korbsook Iamsuree khẳng định Thái Lan không muốn bỏ lỡ những ưu thế mà EU dành cho lúa gạo nước láng giềng: “Campuchia quá hấp dẫn để đầu tư. Chất lượng gạo ở đây tốt, đất canh tác nhiều trong khi chi phí lao động thấp.”

Tương tự, COFCO - tập đoàn hàng đầu về lương thực của Trung Quốc - cũng chính thức đầu tư vào hoạt động xuất khẩu lúa gạo tại Campuchia sau khi nhận được những hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Trung Quốc.

Theo Trần Long
Vietnam+

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG