Doanh nghiệp Việt lơ ngơ từ trong ra ngoài

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam luôn đối mặt nguy cơ bị kiện. Ảnh: Đức Huy.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam luôn đối mặt nguy cơ bị kiện. Ảnh: Đức Huy.
TP - Trong khi hàng hóa xuất đi luôn đối mặt với nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM-chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chưa biết vận dụng công cụ này như một chiêu thức cạnh tranh trong thời hội nhập quốc tế.

Có quan tâm, nhưng biết rồi để đấy. Đó là điều cảm nhận thấy rõ sau buổi Hội thảo “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14/10 tại Hà Nội. Hội trường tầng 7 chật kín khách mời là đại diện DN, hiệp hội, đại diện một số công ty luật và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Mở đầu, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập-VCCI trình bày kết quả điều tra nghiên cứu Năng lực khởi kiện PVTM của DN và đề xuất các giải pháp. Báo cáo cho thấy, khoảng 70% DN biết đến PVTM.

Tuy nhiên, sự hiểu biết của DN chỉ ở mức độ “sơ khởi”, chỉ nghe nói tới mà không có kiến thức sâu hơn về các công cụ PVTM.

Như trong phần thảo luận, một đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đặt câu hỏi, liệu các thành viên có thể khởi kiện Uber, Grabtaxi chống bán phá giá? Lập tức, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về PVTM (Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI) trả lời: Không thể khởi kiện được vấn đề này. “Không phải vì DN, hiệp hội thiếu năng lực mà do quy định PVTM chỉ áp dụng với hàng hóa, chưa áp dụng với dịch vụ”, bà Loan phân tích thêm.

Kết quả điều tra cho thấy, DN Việt luôn đối mặt với các vụ kiện khi xuất hàng hóa ra nước ngoài. Tính tới tháng 10/2015 có gần 100 vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài và phần nửa trong đó DN Việt thua cuộc và dẫn tới bị áp dụng các biện pháp PVTM. Chiều ngược lại, ngay ở thị trường trong nước, số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam bị điều tra chỉ 4 vụ. Chủ yếu là các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ, như: Kính nổi, dầu thực vật, thép không gỉ, bột ngọt.

Trong khi đó, có đến 4/5 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam lớn nhất thuộc các nhóm bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới, như: Thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu, nhiên liệu; sắt, thép. Chưa hết, thống kê cho thấy, những nước bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới đều có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Các DN Việt chưa thực sự tạo ra một cộng đồng trong cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bà Trang đưa ra ví dụ, khi muốn khởi kiện, DN phải hội tụ điều kiện cần là sản lượng hàng hóa chiếm 25% thị phần và nhận được sự ủng hộ tối thiểu 50% tổng số DN của mặt hàng đó. Khả năng tập hợp lực lượng để khởi kiện vô cùng khó khăn với DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Bà Trang cho hay, việc tập hợp bằng chứng để khởi kiện là khó khăn nhất. Khảo sát chỉ ra, có đến 97% số DN được hỏi cho biết không thể thu thập hoặc có thể thu thập, nhưng không đủ thông tin chứng minh thiệt hại trong ngành.

MỚI - NÓNG