Doanh nghiệp Việt mãi loay hoay sau gia nhập WTO

Doanh nghiệp Việt mãi loay hoay sau gia nhập WTO
TP - Nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cho rằng, Việt Nam không thể phát triển dựa trên lợi thế tận dụng tài nguyên thiên nhiên, mà lợi thế nằm ở người dân, và đây là sức mạnh không giới hạn. 

Gợi ý trên được ông Pascal Lamy, nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nêu tại buổi tọa đàm chiều 11/8 với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 

  

Để tận dụng cơ hội WTO và các hiệp định thương mại tự do sắp tới, ông Pascal Lamy cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 3 điểm: Thuận lợi hóa thương mại, logistics và hài hòa hóa quy định pháp luật. 

Theo đó, hàng hóa qua biên giới sẽ ngày càng nhiều khiến những biện pháp về thuận lợi hóa thương mại trở nên quan trọng. 

“Việt Nam có bộ máy quan liêu khá cồng kềnh, khiến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất - nhập khẩu gặp nhiều gánh nặng, chi phí hành chính chiếm khoảng 10% giá trị nhập khẩu và nó sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng. Nền sản xuất thế giới đang phát triển theo chuỗi, một sản phẩm được làm ra từ phụ tùng sản xuất tại nhiều nước, hàng hóa thông qua sẽ tiếp tục tăng”, ông Pascal Lamy nói. 

Ngoài ra, các yếu tố về kho bãi, vận chuyển, hài hòa các quy định, tiêu chuẩn với các nước trên thế giới sẽ tăng lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đặt vấn đề, một quốc gia muốn xuất khẩu phải nhập khẩu, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển mạnh, như dệt may phải nhập khẩu 70% nguyên liệu, khiến phải lệ thuộc vào đối tác thương mại của mình. 

Gần đây có nhiều việc không tốt ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên phụ liệu vì họ cung cấp chủ yếu cho Việt Nam. 

Vấn đề này, ông Pascal Lamy cho rằng, về chủ quyền kinh tế là câu hỏi khó và phức tạp. Trong trường hợp của Việt Nam, không có nhiều lợi thế về tài nguyên như Nga, Mỹ, Brazil… Do đó, Việt Nam không thể tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.

“Lợi thế của các bạn là nằm ở người dân, đây là sức mạnh không giới hạn. Vấn đề là cần nâng cao đầu tư cho giáo dục đào tạo”, ông Lamy gợi ý. 

Như với đánh bắt hải sản, không phải là chúng ta bắt được bao nhiêu cá, mà phải tận dụng con người để nâng cao chất lượng sản phẩm, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.

MỚI - NÓNG