Doanh nghiệp Việt Nam lúng túng tiếp cận dự án CDM

Doanh nghiệp Việt Nam lúng túng tiếp cận dự án CDM
TP - Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp hàng loạt khó khăn khi  tiếp cận các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) - một trong những kênh hữu hiệu để tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài thực hiện chống biến đổi khí hậu, một chuyên gia về CDM nhận định.
Doanh nghiệp Việt Nam lúng túng tiếp cận dự án CDM ảnh 1
Ảnh minh họa

Một trong những khó khăn lớn nhất là Việt Nam thiếu chỉ tiêu phát thải nền khí nhà kính (CO2 - một trong các loại khí do hoạt động của con người phát thải vào khí quyển, gây biến đổi bất thường của khí hậu thời gian gần đây), cơ sở để các doanh nghiệp so sánh khi xây dựng dự án giảm phát thải nhằm nhận được hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển.

Ông Lê Nguyên Tường, Cố vấn Quốc gia Dự án Tăng cường Năng lực Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, nói: “Hình thức của các dự án CDM ở Việt Nam và đa số các nước đang phát triển khác là các tổ chức ở các nước phát triển, thông qua các công ty cung cấp công nghệ, tìm đến các nước đang phát triển có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện dự án”.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam?

Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong tính toán phát thải nền để xác định mức giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác khi xây dựng các dự án CDM cho nhiều lĩnh vực .

Chỉ trên cơ sở tính toán mức phát thải nền có cơ sở khoa học và được công nhận, các doanh nghiệp mới tính toán được mức giảm phát thải khí nhà kính mà họ phấn đấu so với mức nền.

Do chưa có số liệu phát thải nền, nên, khi xây dựng dự án CDM, các dự án thường tính riêng cho loại dự án và khó thuyết phục các cơ quan trọng tài quốc tế.

Ví dụ, đối với các dự án CDM về thủy điện, chúng ta thường so sánh với nhiệt điện than, như nhà máy thủy điện sông Bung và một số nhà máy thủy điện khác đã áp dụng.

Các bất cập đáng chú ý khác là gì?

CDM thường là dự án cùng đầu tư và phải đạt hiệu quả giảm phát thải lớn. Các nước phát triển (có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định thư Kyoto) thường thích tài trợ cho các dự án có tác dụng giảm phát thải ở mức độ lớn.

Tại Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, dự án CDM thường có quy mô vốn nhỏ so với một số nước. Hơn thế, lại chưa rành về vấn đề thủ tục vốn rất phức tạp, nên các dự án ấy rất chậm được thông qua.

Có thể kể đến dự án xử lý rác thải tại Hải Phòng do Phần Lan tài trợ, dự án thu hồi khí methane (một loại khí nhà kính, thoát ra từ các bãi rác, có mức gây ấm nóng lớn gấp nhiều lần CO2) của bãi rác ở TP Hồ Chí Minh, và một dự án tương tự ở khu xử lý rác Nam Sơn của Hà Nội, v.v.

Các dự án đó đều chưa đi đến kết quả để thành một dự án CDM. Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa tính toán được lượng khí methane thu hồi một cách chính xác.

Về cơ sở pháp lý của CDM, gần đây chúng ta mới có Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg ngày 6/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện Nghị định thư Kyoto và CDM.

Sau đó là Thông tư Liên tịch giữa Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên&Môi trường về quản lý nguồn vốn thu được từ dự án CDM. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng chưa có thông tin về các văn bản này.

Biện pháp để khắc phục những bất cập đó là gì? Theo ông, lĩnh vực nào được đánh giá có tiềm năng xây dựng các dự án CDM ở Việt Nam?

Nếu làm tốt các dự án CDM, có thể thu được hàng chục triệu, trăm triệu , USD, thậm chí hơn từ nguồn đầu tư của các nước phát triển. Tuy nhiên, để làm các dự án lớn, ta lại khó khăn trong đầu tư ban đầu. Nên chăng liên kết lại để tập hợp lượng khí thải lớn. Từng có dự kiến từ nay đến hết năm 2010, Việt Nam có thể thu lợi đến 250 triệu USD từ thực hiện các dự án CDM.

Hiện có nhiều công ty trong nước đầu tư vào việc trồng rừng để thực hiện dự án CDM. Theo tôi, nên tham gia dự án về tiết kiệm năng lượng vì ở Việt Nam chưa có dự án nào như thế, nhất là, chưa có dự án nào về tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà. Nguyên nhân chính có lẽ vẫn là chưa có cơ sở để so sánh được chỉ tiêu tiết kiệm.

Điều kiện thế nào thì được công nhận là dự án CDM?

Để được xem là một dự án CDM, sau khi đơn vị trình dự án, Bộ TN&MT sẽ thành lập hội đồng để xem dự án có đạt yêu cầu, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính không, bên cạnh những yêu cầu về kinh tế, xã hội.

Hiện Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối quốc gia, được Chính phủ giao cho quản lý cấp phép cũng như thực hiện các dự án CDM. Sau khi Bộ TN&MT có thư phê duyệt, công nhận là dự án CDM, doanh nghiệp mới có thể thực hiện.

Theo tôi biết, ở Việt Nam, mới có dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là dự án CDM đầu tiên được chứng nhận giảm phát thải (CERs), sau một năm trình và phê duyệt.

Theo tính toán, sau 10 năm thực hiện, tổng mức phát thải 6,7 triệu tấn CO2 sẽ nhận được CERs với giá trị khoảng 4,5 triệu USD.

Các dự án CDM có thể nhận được những hỗ trợ nào từ nhà nước?

Chưa có đầu tư nào của nhà nước chỉ để xây dựng dự án theo hướng CDM. Hỗ trợ ở đây chính là xác nhận dự án đó là dự án CDM. Doanh nghiệp sẽ có cơ sở đàm phán, thỏa thuận quốc tế dễ hơn và khả thi hơn so với việc chỉ là một dự án đầu tư đơn thuần.

Lấy ví dụ, tỉnh Lào Cai có một đến hai dự án đấu thầu trên sàn CERs quốc tế về giảm lượng khí CO2. Nhưng chưa làm được vì chưa có  chứng nhận của các tổ chức quốc tế là dự án CDM có lượng giảm phát thải được chứng nhận (CERs).

Đâu là các kênh tiềm năng có thể khai thác để thu hút vốn cho các dự án CDM?

Có thể tiếp cận các nguồn vốn quốc tế từ nhiều nguồn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), quỹ carbon của các nước Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, v.v

Cám ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.