Doanh nghiệp Việt và tinh thần khởi nghiệp

Doanh nghiệp Việt và tinh thần khởi nghiệp
TP - Những cơ chế chính sách tốt sẽ là hỗ trợ tuyệt vời cho các doanh nghiệp (DN) phát triển, nhưng để vượt lên ngang hàng với các thương hiệu lớn của thế giới, các DN Việt Nam không thể “ăn sẵn” mà phải có tư duy “nhảy cóc” trong tư duy chiến lược mới ….

> Giao lưu trực tuyến ‘10 năm giải thưởng Sao Vàng đất Việt’

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Minh Đức
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Minh Đức.

Tại buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Xây dựng thương hiệu Việt mang tầm toàn cầu” do báo Tiền Phong và Hội Doanh nhân trẻ VN tổ chức ngày 11/10, rất nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã có những đóng góp sâu sắc.

Không ngồi đợi chính sách

Mở đầu cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam cho rằng, năm 2013 là năm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong hoạt động của tổ chức Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Phong trào DNT Việt Nam vừa tròn 20 năm tuổi (1993-2013) với những bước tiến mạnh mẽ, trở thành Hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp có quy mô hàng đầu quốc gia, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.

Tính đến năm 2013, mạng lưới tổ chức hội đã có mặt 63/63 tỉnh, thành phố và 4 ngành kinh tế với gần 10.000 hội viên. Các doanh nghiệp của hội viên đang tạo việc làm cho trên 2,5 triệu người, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 25 tỷ USD.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Tập đoàn Trường Sơn
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Tập đoàn Trường Sơn .

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, việc có một giải thưởng như Sao Vàng Đất Việt dành cho các thương hiệu và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam hội nhập quốc tế là rất kịp thời và có ý nghĩa động viên mạnh mẽ đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, đã hơn hơn 25 năm kể từ khi chúng ta chuyển sang chính sách ngoại giao đổi mới, đa phương và hội nhập; thời gian không đợi, hẳn chúng ta đều thấy nhưng thành quả mà chúng ta đạt được còn nhỏ bé.

Năm 2013 cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Thực tế cho thấy, các DN sau khi đoạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thâm nhập được vào các thị trường mới, nhiều DN sau khi đoạt giải đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 100-150% trong năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng đặt ra 3 vấn đề đáng suy ngẫm đối với các DN trẻ. Trong đó có việc, hiện vẫn chưa có một thương hiệu nào của các DNT lọt vào bình chọn của tạp chí Forbes thế giới.

Là doanh nghiệp 3 lần đạt giải cao của Sao Vàng Đất Việt, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Cty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan cho rằng, cần phải có chính sách đưa ngành nông nghiệp trở thành một ngành chính yếu chứ không nên chỉ là bệ phóng. “Chúng ta có một lợi thế rất lớn nhưng chúng ta lại trở nên dễ vỡ nhất trong ngành nông nghiệp. Tôi nghĩ phải thực sự vươn mình lên và nỗ lực để đóng góp hơn là ngồi đợi những chính sách”, ông Mười nói.

Cần tư duy “nhảy vọt”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh việc phát triển kinh tế của đất nước phải gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. “Phải tìm cái riêng để đáp ứng luật chơi của nền kinh tế thị trường, cũng như nguyện vọng của người dân Việt Nam đã gửi gắm vào những nhà làm kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam”- ông Kiên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Việt Nam có nhiều khả năng tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhưng các chính sách bảo hộ chưa phù hợp, chưa thúc đẩy sự sáng tạo và bảo vệ được đầy đủ các cá nhân và doanh nghiệp để họ có cơ hội xây dựng những thương hiệu lớn trong nước và quốc tế. Nếu DN nắm bắt thông tin nhanh nhạy, kịp thời đưa ra các đề xuất, chúng ta có quyền kỳ vọng xuất khẩu đạt cả nghìn tỷ USD nếu chúng ta tạo một hành lang chính sách tốt” –vị chuyên gia lưu ý.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Cty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Cty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan .

Đồng quan điểm, ông Mười cho rằng, việc đứng vững trong nền kinh tế hiện nay không phải là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, mà là doanh nghiệp nào có chiến lược đúng đắn, sứ mệnh rõ ràng, công nghệ trong quản trị, biết dự báo thông tin, biết tổ chức tốt, định vị tốt sản phẩm của mình trong thị trường mới thật là trụ cột của nền kinh tế. “Sự phát triển bền vững của nền kinh tế nhất thiết phải lệ thuộc vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trẻ, với công nghệ mới, với sự sáng tạo mới, luôn luôn có đổi mới để phù hợp với môi trường kinh tế đang phát triển”, ông nói.

Giám đốc Chiến lược Cty Cổ phần FPT, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, cho rằng, các DN đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn phải vượt qua. Tuy nhiên, FPT cũng như các DN khác có niềm tin rất lớn, đó là tinh thần khởi nghiệp của DN Việt Nam và nội lực trong dân còn rất lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG