Doanh nghiệp Việt với những công trình “gây sốc”

Các máy biến áp phân phối 35kV do Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh chế tạo sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa tới 90%. Ảnh: Như Ý.
Các máy biến áp phân phối 35kV do Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh chế tạo sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa tới 90%. Ảnh: Như Ý.
TP - Không chỉ được biết đến như “bệnh viện trung tâm” của ngành, Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh còn là nơi đã cho ra đời những máy biến áp lừng danh ngành điện với tỷ lệ nội địa hóa tới trên 90%. Việc chế tạo thành công các máy biến áp truyền tải từ 110kV đến 500kV đã giúp ngành điện giảm chi phí mua sắm gần 30% (nhiều nghìn tỷ đồng) so với máy biến áp nhập khẩu.

Những cuộc đánh cược mạo hiểm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Điểm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh (EEMC) cho biết, điểm đáng tự hào, các máy biến áp do đơn vị sản xuất đều là các đề tài nghiên cứu khoa học với tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, từ thiết kế cho đến công nghệ.

Năm 1995, máy biến áp 110kV đầu tiên do công ty chế tạo là bước tiến đầu tiên trong việc chinh phục các nấc thang chế tạo các máy biến áp công suất lớn của ngành chế tạo thiết bị điện của Việt Nam. Để được phép chế tạo máy biến áp 110kV, lãnh đạo công ty phải cam kết với Tổng công ty Điện lực Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công Thương: Sẽ bảo hành miễn phí 5 năm. Đến nay chiếc máy biến áp 110kV của đơn vị, sau 20 năm liên tục vận hành, vẫn hoạt động tốt (hiện máy được lắp tại trạm 110kV ở Thái Bình).

Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh đang đặt mục tiêu chinh phục đỉnh cao mới trong việc chế tạo máy biến áp 500kV công suất 900 MVA. Chúng tôi luôn mong muốn trở thành các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo thiết bị điện nhờ những công trình nghiên cứu khoa học thay vì trở thành đơn vị đi theo như nhiều đơn vị khác. Để làm được, rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước.

Ông Lê Văn Điểm, Phó tổng giám đốc EEMC

Năm 2003, công ty tiếp tục gây sốc với toàn ngành khi toàn bộ tập thể lãnh đạo công ty (từ Tổng giám đốc đến các trưởng phòng, kỹ sư thiết kế chính) ký cam kết khẳng định chịu trách nhiệm trước lãnh đạo EVN sẽ chế tạo thành công máy biến áp 220kV công suất 125 MVA đầu tiên của Việt Nam. Thành công không phụ lòng người, lễ đóng điện thành công trạm biến áp 220kV hoàn toàn suôn sẻ. Sau hơn chục năm, chiếc máy biến áp ở trạm 220kV Sóc Sơn vẫn bền bỉ chạy đua với thời gian, không để xảy ra sự cố.

Đúng 5 năm sau đó, năm 2008, “người đặc biệt” Nguyễn Thị Nguyệt (nữ kỹ sư duy nhất của toàn ngành điện được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và cũng là người thiết kế ra các máy 110kV và 220kV trước đó) thực hiện tiếp đề tài khoa học cấp nhà nước chế tạo máy 220kV công suất 250 MVA. Tập thể lãnh đạo EEMC “dốc túi” và đi vay tiền ngân hàng với lãi suất cao chót vót 17%-18%/năm để đầu tư một loạt thiết bị công nghệ mới, xây dựng nhà xưởng mới với hệ thống cẩu trục 150 tấn… để làm ra chiếc máy có tỷ lệ nội địa hóa tới 90%.

“Nhưng năm 2010 mới là năm đặc biệt khi tổng công ty nhảy vào chế tạo máy biến áp 500kV siêu cao áp lắp đặt cho trạm Nho Quan, Ninh Bình. Đây là sự đánh cược mạo hiểm của tổng công ty do trên thế giới, chỉ có khoảng 10 nước có đủ năng lực chế tạo máy biến áp 500kV. Công ty phải vay ngân hàng, đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Ngày đóng điện trạm biến áp, lãnh đạo đơn vị “toát mồ hôi” khi vừa đóng điện, máy rung bần bật, rồi bị ngắt mạch. 

Rất may, sau khi điều chỉnh đấu nối, máy vận hành trơn tru. Ý tưởng mạo hiểm chinh phục đỉnh cao của công nghiệp chế tạo máy điện thành công, đưa Việt Nam thành quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á chế tạo thành công máy biến áp siêu cao áp. Đến nay, công ty đã chế tạo trên 400 máy biến áp 110kV; có hàng chục máy 220kV và 2 máy biến áp 500kV lắp khắp mọi miền đất nước, chưa kể 34 máy biến áp xuất khẩu”, ông Điểm cho biết.

Chọn làm doanh nghiệp dẫn đầu

Theo lãnh đạo EEMC, các công trình nghiên cứu nói trên đã giúp đơn vị làm chủ kỹ thuật chế tạo máy biến áp, truyền tải trong nước. Sau khi công ty chế tạo thành công máy biến áp 110kV đầu tiên, các hãng chế tạo máy biến áp của nước ngoài đã phải giảm giá bán sản phẩm 30% để cạnh tranh với sản phẩm của đơn vị. “Như máy biến áp 500kV, trước giá bán trên 2 triệu USD/chiếc, sau khi chúng tôi chế tạo được máy, hãng sản xuất của Trung Quốc đã phải giảm xuống còn hơn 1 triệu USD/chiếc”, ông Điểm kể.

Để thu hút những người tài trong việc nghiên cứu phục vụ phát triển của đơn vị, nhiều năm qua Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh thực hiện chính sách “giữ chân” bằng cách trả lương cao chót vót tới vài chục triệu đồng/tháng. Thậm chí có trường hợp còn được trả lương cao hơn cả Tổng giám đốc.

“Như trường hợp chuyên gia đặc biệt như kỹ sư Nguyệt, dù đã về hưu, chúng tôi vẫn mời tham gia tiếp tục giúp sức phát triển công ty. Bên cạnh chính sách lương, chúng tôi dành chế độ ưu tiên mua cổ phần, duy trì chế độ thưởng tăng thêm, chính sách ưu đãi tham quan, nghỉ mát…”, lãnh đạo công ty cho biết.

Với những người trẻ, công ty cũng mạnh dạn giao tiếp cận, thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước. Điển hình nhất, các kỹ sư trẻ của đơn vị cũng vừa thực hiện thành công đề tài KC06 cấp nhà nước về ngắt mạch biến áp.

MỚI - NÓNG