Doanh nghiệp VN... chưa biết kiện chống bán phá giá!

Doanh nghiệp VN... chưa biết kiện chống bán phá giá!
TP - "Tôi lấy làm tiếc là, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề nêu trên trước khi chúng ta gia nhập WTO, nhưng các DN cũng như các hiệp hội DN Việt Nam chưa biết cách sử dụng các công cụ này".

"Trong khi đó, các công cụ pháp lý này cần được coi là công cụ kinh doanh, để bảo vệ cho quyền lợi của mình, và cho đến nay chưa có một DN nào cũng như hiệp hội DN nào chủ động trong việc yêu cầu điều tra chống phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ quyền lợi cho mình".

Ngày 26/3, trả lời câu hỏi của Tiền phong về việc “Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã sử dụng công cụ pháp lý chống bán phá giá để bảo vệ mình như thế nào?”, ông Trương Quang Hoài Nam-Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Công Thương, cho biết.

Theo ông, ngoài lý do các DN Việt Nam chưa biết cách sử dụng công cụ đó, còn có lý do quan trọng nào khác?

Qua trao đổi, tôi thấy DN Việt Nam không muốn kiện cáo và suy nghĩ là việc kiện cáo sẽ gây tốn kém, mất bạn hàng, mất mối quan hệ hữu nghị giữa các DN với nhau…

Gà nhập khẩu đang làm người nuôi gà Việt Nam gặp khó khăn

"Các DN trực tiếp kinh doanh sẽ biết rõ hơn các cơ quan quản lý Nhà nước, họ phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về trao đổi thương mại xem có sự nhập khẩu tăng mạnh của một mặt hàng nào đó vào thị trường Việt Nam hay không và mức giá có thấp hơn giá thành hay không, có gây thiệt hại đối với sản xuất trong nước hay không?

Khi có nghi ngờ nào đó thì chúng ta phải chủ động khởi xướng vụ kiện. Chẳng hạn, hiện nay gà nhập khẩu đang làm cho người nông dân nuôi gà của Việt Nam gặp khó khăn…

Nếu chúng ta biết có sự bán phá giá và gây thiệt hại mà chúng ta không làm gì cả thì chúng ta thua thiệt chứ không phải ai khác".

Luật sư Gordon LaFortune
Chuyên gia Dự án Hỗ trợ
thương mại Đa biên (MUTRAP)

Theo tôi, trong một thị trường mở, khi chúng ta gia nhập WTO rồi thì những công cụ đó nên sử dụng. Nếu không sử dụng, chúng ta vẫn mất thị trường, thậm chí bị tổn hại thị trường trong nước khi hàng hóa bán phá giá từ nước ngoài tràn vào thị trường chúng ta.

Các DN cần suy nghĩ thêm trong việc sử dụng công cụ này. Cũng xin nhắc lại là các DN không phải trả phí cho việc khởi kiện.

Ông đã nhận được sự những sự phản ánh từ phía DN về những dấu hiệu hàng nước ngoài  bán phá giá tại Việt Nam? 

Có DN nói rằng phía nước ngoài bán phá giá như mặt hàng thép, hoặc dệt may, nông sản… nhưng đó là những tiếng nói đơn lẻ, hiệp hội DN đó lại không lên tiếng, cho nên không đủ cơ sở để tiến hành một cuộc điều tra theo quy định của WTO.

Để kết luận có việc bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu của nước ngoài vào Việt Nam hay không thì phải trải qua các cuộc điều tra tỉ mỉ, cẩn trọng.

Theo cá nhân ông, các mặt hàng nói trên (thép, nông sản…) đã đủ cơ sở để khởi kiện?

Không đủ cơ sở, bởi theo yêu cầu của WTO, người khởi kiện phải chứng minh được rằng họ (DN xuất khẩu nước ngoài) phải chiếm ít nhất 25% thị phần của ngành hàng đó, và phải chứng minh được ngành sản xuất trong nước bị tổn hại chứ không phải chỉ riêng một doanh nghiệp nào.

Theo quy định, hồ sơ khởi kiện có 9 yếu tố và DN kiện phải đáp ứng đủ 9 yếu tố thì cơ quan điều tra mới có thể tiến hành được vụ việc.

Trong trường hợp các DN không khởi kiện thì các cơ quan quản lý Nhà nước ta có khởi kiện được hay không?

Về mặt pháp lý, các cơ quan quản lý Nhà nước có quyền đứng ra kiện và tiến hành điều tra. Tuy nhiên, từ trước đến nay đại đa số những vụ kiện chống bán phá giá đều do hiệp hội DN đứng ra khởi kiện.

Lý do, các cơ quan quản lý Nhà nước không tiến hành kinh doanh nên những vấn đề liên quan đến giá cả, những mặt hàng cụ thể có bán phá giá hay không thì không ai biết kỹ hơn là chính DN đang tiến hành kinh doanh chính mặt hàng đó, và cũng không ai biết và tập hợp các DN tốt hơn các hiệp hội.

MỚI - NÓNG