Doanh nghiệp vừa chờ hỗ trợ, vừa tự bơi

Nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng trước khi nhận được hỗ trợ gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Ảnh:PV
Nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng trước khi nhận được hỗ trợ gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Ảnh:PV
TP - Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 35.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Với gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng, cơ quan thuế sẽ đóng cửa thu hồ sơ của DN, các tổ chức, cá nhân vào 30/7.   

Khó nộp hồ sơ

Ông Trần Xuân Diễm, người sáng lập chuỗi cửa hàng Kafa Café cho biết, hai tháng 3-4, doanh thu của các cửa hàng hầu như bằng 0. “Tính chung trên cả nước, chúng tôi có 40 cơ sở, chủ yếu ở Hà Nội và Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên. Tổng số nhân viên khoảng 300 người. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên công ty phải cho hầu hết nhân viên nghỉ ở nhà hai tháng qua, song vẫn hỗ trợ mức lương tối thiểu trung bình 1,5 triệu đồng/người để giữ họ. Cũng may đến nay, một số địa phương đã hết lệnh giãn cách xã hội, hệ thống cửa hàng Kafa Café bắt đầu hoạt động trở lại, song vẫn cầm chừng”, ông Diễm chia sẻ.

Chủ chuỗi cà phê này cũng không khỏi lo lắng rằng, DN đã nộp hồ sơ gia hạn nộp thuế 3-4 ngày rồi nhưng chưa nhận được phản hồi, hướng dẫn chi tiết từ các chi cục thuế địa phương. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng mỗi nơi lại một chủ khác nhau, ông Diễm phải trực tiếp thương lượng, có nơi chủ nhà hiểu thì miễn phí luôn cho 1 tháng, còn đa số chỉ giảm 20-30% tiền thuê mặt bằng. Theo ông Diễm, có những vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội, tiền thuê mặt bằng lên tới 150-200 triệu đồng/tháng. Còn những chỗ khác trung bình cũng 70-120 triệu đồng/tháng. Do làm ăn lâu dài nên theo chủ chuỗi cà phê này, DN thường đóng tiền thuê mặt bằng định kỳ 6 tháng/lần hoặc trả luôn 1 năm.

“Hai tháng 3-4, công ty lỗ mất mấy tỷ đồng. Mong cho hết tháng 4 này, không còn ca mắc COVID-19 mới nào để mọi hoạt động xã hội được trở lại bình thường, chuỗi cà phê của chúng tôi mới có khách. Dự kiến, sau khi nhà nước công bố hết dịch, DN cũng mất ít nhất 2-3 tháng mới có thể bù lỗ”, ông Diễm trăn trở.

Theo Nghị định 41 được ban hành ngày 8/4, có tới 98% số DN đang hoạt động sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất 5 tháng. Đây được xem như liều thuốc “tăng lực” giúp các DN, tổ chức, cá nhân vượt qua đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sau gần 3 tuần nghị định này có hiệu lực, ngành Thuế mới tiếp nhận một phần nhỏ hồ sơ xin gia hạn nộp thuế. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 26/4, số tổ chức, DN, cá nhân nộp tờ khai “giấy đề nghị gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất” là 46.500 hồ sơ. Trong đó, số DN, tổ chức đề nghị gia hạn là 46.163, cá nhân là 391. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn đến ngày 26/4 là 7.374,1 tỷ đồng.

Như vậy, vẫn còn hàng trăm nghìn DN và cá nhân, hộ kinh doanh chưa đề xuất hoặc gặp vướng mắc chưa thể làm thủ tục để gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ thuộc Tổng cục Thuế cho biết: “Với 763.141 DN (chiếm 99,9%) và 83.701 hộ, cá nhân kinh doanh đã có tài khoản khai thuế điện tử, số hồ sơ gửi về hệ thống sắp tới sẽ tăng mạnh”.

Tại Cục Thuế TP Hà Nội, thống kê của đơn vị này đến 10h ngày 27/4 cho thấy đã có 14.300 giấy đề nghị của DN, tổ chức nộp qua hệ thống điện tử (eTax). Hộ kinh doanh, cá nhân chủ yếu gửi bằng bản cứng nên đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho thống kê được đầy đủ.

Dẫu thiệt hại nặng nề như vậy nhưng ông Diễm cho biết, vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè khác. Đơn cử như một công ty bạn của ông Diễm, bán phiếu nghỉ dưỡng liên tỉnh cho khách quốc tế, do dịch bệnh phức tạp nên hầu hết khách đã hủy. DN đang phải “còng lưng” trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, nguy cơ phá sản cận kề.

DN đang tự bơi

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên, DN chuyên về vận tải hành khách, lữ hành cho hay, thực sự DN không trông chờ gì từ gói gia hạn, miễn giảm thuế. Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra là không chỉ riêng công ty ông mà hàng loạt DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, lữ hành, du lịch nộp hồ sơ điện tử nhưng đều bị trả lại do không đáp ứng một trong các yêu cầu của Tổng cục Thuế.

Theo ông Tùng, công ty hiện có gần 300 đầu xe với tất cả chủng loại từ 4 đến 45 chỗ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến Thiên Thảo Nguyên phải “vật vã” 4 tháng qua, doanh thu bằng 0. Ông Tùng cho rằng, các DN nên tự lực cánh sinh, “tự bơi”, bởi còn nhiều đối tượng khó khăn hơn cần được tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho hay, Hà Nội hiện có khoảng 284.484 DN nhỏ và vừa. Trong đó, các DN bị ảnh hưởng nhiều nhất hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở Thủ đô bởi 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 40% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Tiếp đó, ngành sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu (XK), 30% kim ngạch nhập khẩu (NK) vẫn phụ thuộc vào 3 thị trường trên.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, có 35.000 DN đóng cửa trong 3 tháng đầu năm. Trước thực trạng trên, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài các gói hỗ trợ vừa qua, Chính phủ cần một gói riêng cho các DN nhỏ và vừa khoảng 150.000 tỷ đồng. Cụ thể, theo ông Hiếu, Chính phủ có thể cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VINASME cho rằng, để chính sách tiếp cận gần hơn với DN, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ DN.

Theo ông Nam, trong thời buổi khó khăn chồng chất do dịch bệnh COVID-19, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, vì họ vốn rất mong manh, đôi khi chỉ cần hỗ trợ 100-120 triệu đồng tiền thuê mặt bằng đã giúp được họ vượt qua khủng hoảng.

Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất mà các DN được gia hạn nộp đến ngày 26/4 là 7.374,1 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với tổ chức, DN là 7.367 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế VAT 1.432 tỷ đồng, tiền thuế TNDN 4.977 tỷ đồng, tiền thuê đất là 958 tỷ đồng), gia hạn đối với cá nhân là 7,1 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế VAT và tiền thuế TNCN). 

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp thuế TNDN năm 2019, thuế VAT, thuế TNCN, tiền thuê đất lên một năm thay vì 5 tháng như hiện nay. Các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng sẽ được giãn, hoãn nộp thuế khoán như miễn 100% lệ phí môn bài năm 2020... 

MỚI - NÓNG