Doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh COVID-19

Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể, hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh…

Và trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cần có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Phạm Thị Ngọc Thủy -  Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Xin chào bà Phạm Thị Ngọc Thủy!

PV: Thưa bà, có thể nói, năm 2020 là một năm khó khăn đối với tất cả các doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Vậy, khó khăn đó là gì, bà có thể giúp chúng tôi làm rõ?

Đại dịch Covid-19 là câu chuyện nổi cộm nhất của năm 2020, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn đặc biệt cho doanh nghiệp. Hệ thống lại, thì chúng ta có thể thấy ở làn sóng Covid-19 lần 1, doanh nghiệp phải ứng phó rất vất vả với sự đứt gãy tức thời chuỗi cung ứng; tiếp theo đó, lại là khó khăn về cầu do Mỹ - Châu Âu đồng loạt đóng cửa biên giới, hàng hóa xuất khẩu ùn ứ, đơn hàng bị hủy bỏ, tạm dừng hàng loạt. Tới những đợt bùng phát dịch tiếp theo, sức chống chịu của doanh nghiệp mỏng hơn, khó khăn lại tập trung vào bài toán duy trì nguồn lao động, duy trì dòng tiền vận hành tối thiểu để ứng phó với dịch bệnh...

Doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh COVID-19 ảnh 1
 

Bên cạnh đó, còn có những khó khăn mang tính hệ thống và thường xuyên, không phải do dịch bệnh nhưng bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh dịch, như là câu chuyện năng lực tự thân của các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề, rồi khó khăn do môi trường kinh doanh mang lại. Cho dù, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng thế giới đã được cải thiện từ thứ hạng 90 lên thứ hạng 70 so với 190 nền kinh tế trên thế giới nhưng so với khu vực ASEAN, hiện Việt Nam còn cách khá xa các nước đứng đầu...

PV: Trước khó khăn này, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Những chính sách này có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp, thưa bà?

Chính phủ đã ban hành rất nhanh chóng nhiều chính sách để vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Việc đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp thực sự là điểm sáng năm 2020. Có thể giữa kỳ vọng và kết quả chính sách chưa hoàn toàn gặp được nhau, nhưng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự đồng hành của Chính phủ. Doanh nghiệp càng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc giữ vững được một môi trường ít bị ảnh hưởng nhất bởi Covid, ít thiệt hại về người nhất, do đó doanh nghiệp vẫn còn không gian nhất định để làm ăn trong bối cảnh các nước khác tình hình dịch bệnh do Covid còn căng thẳng hơn rất nhiều.

Bên cạnh các chính sách chung trên toàn quốc, một số địa phương cũng đã có những chỉ đạo rất được doanh nghiệp ghi nhận. Câu chuyện về ứng xử của ngành thuế Bình Định là một ví dụ rất điển hình. Cục thuế Bình Định năm 2020 đã ra văn bản quán triệt tuyệt đối không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo cơ chế hậu kiểm mà toàn bộ chuyển thành các cảnh báo sớm và những hướng dẫn thông qua hệ thống công nghệ thông tin để doanh nghiệp chủ động rà soát, áp dụng trước mỗi kì quyết toán thuế. Kết quả của cách thức này thật bất ngờ là tổng thuế thu được cao hơn so với năm trước, trong khi số lượng doanh nghiệp bị phạt và tổng tiền phạt giảm đi, tổng tiền thuế thu của tỉnh còn hoàn thành kế hoạch trước một tháng.

Tất cả những điều này mang lại một niềm tin rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp đối với chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

PV: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì mong muốn và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp là gì để có thể vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, thưa bà?

Qua khảo sát của Ban IV, doanh nghiệp bày tỏ một số nguyện vọng cơ bản:

Thứ nhất, mong Chính phủ giữ vững được những thành tựu, thành tích trong việc phòng và chống dịch Covid -19.

Thứ hai, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ liên tục rà soát các quy định để xây các chính sách giúp giảm thiểu dòng tiền mà doanh nghiệp phải chi ra trong một giai đoạn nhất định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp còn lực duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, chờ phục hồi.

Doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh COVID-19 ảnh 2
 

Thứ ba, trong khó khăn có cơ hội, trong thời kỳ dịch bệnh, không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn. Mong chờ nữa của doanh nghiệp là Chính phủ cùng với doanh nghiệp phát hiện ra các tín hiệu tích cực, nắm bắt cơ hội từ thị trường và phân bổ nguồn lực có hạn vào những lĩnh vực ưu tiên hoặc thiết kế các chính sách giúp doanh  nghiệp nắm bắt nhanh cơ hội.

Và cuối cùng, vẫn là bài toán cải cách, mọi chủ trương chính sách đúng đắn cần phải có các thiết kế tốt về quy trình, thủ tục thì mới đi được vào đời sống. Đơn giản hóa tối đa các yêu cầu hành chính, đây là mong muốn cũng đồng thời là cách thức rất hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh này.

Xin cảm ơn bà!

________________________________

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG