Doanh nghiệp xuất khẩu đuối sức

Dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công
Dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công
TP - Doanh nghiệp nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực một thời hiện đang tỏ ra đuối sức trước những áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại TPHCM cho biết cách đây 3 năm, doanh thu xuất khẩu doanh nghiệp của ông đạt 1 triệu USD (năm 2011). Tuy nhiên, qua 2013, doanh thu tụt giảm dữ dội và chỉ còn 100.000 USD. “Gần như rơi tự do”- vị giám đốc nói. Ông còn cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, việc sản xuất của công ty hết sức cầm chừng.

Nguyên nhân chính, theo vị giám đốc, do không có thị trường đầu ra vì kinh tế suy thoái, sức mua giảm mạnh. Cũng vì lý do này, khách hàng ép giá dữ dội, đến mức không đủ chi phí đầu vào nên phải từ chối đơn hàng. “Tính đến thời điểm hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào như lương, vật liệu, vận chuyển… tăng 7 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá đầu ra không những không tăng mà còn giảm thì làm sao chịu nổi?”- ông nói.

Theo ông Đặng Quốc Hùng –Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến đồ gỗ TPHCM (Hawa), khó khăn về thị trường xuất khẩu không chỉ của riêng doanh nghiệp nào mà là phần lớn của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ mỹ nghệ. “Trong số trên 80 doanh nghiệp hội viên Hawa, số doanh nghiệp còn làm ăn, xuất khẩu hiệu quả tính chưa hết đầu ngón tay”- ông Hùng chia sẻ.

“Khi đã làm gia công thì sức cạnh tranh chủ yếu nhờ vào năng suất lao động, trong khi đó, năng suất lao động trong ngành dệt may Việt Nam thấp hơn đáng kể so với nhiều nước trong khu vực. Riêng so với Trung Quốc, năng suất lao động
Việt Nam thấp hơn bình quân 2,5 lần”.

Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Vitas

Cục thống kê TPHCM cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố qúi I /2014 ước đạt 6, 34 tỷ USD, giảm 7% so cùng kỳ năm trước (giảm 478,8 triệu USD). Riêng trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 13,5% so cùng kỳ. Một số ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm như may mặc (giảm 2,9%), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 47,3%, giảm 0,9%; khu vực trong nước chiếm 52,7% giảm 4,7%. Giày dép, khu vực trong nước (chiếm 17,6%) giảm 3,5%. Máy tính và sản phẩm điện tử chiếm 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô), giảm 18,2%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Phạm Xuân Hồng cho rằng xuất khẩu dệt may của TPHCM thành phố đầu tàu kinh tế cả nước giảm như trong qúy I vừa qua, một phần do ngày càng nhiều doanh nghiệp di chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải, và TPHCM không là ngoại lệ, đó là giá trị đơn hàng giảm khá mạnh mặc dù số lượng sản phẩm không giảm.

Tức là, khách hàng ngày càng đặt gia công những mặt hàng có giá trị thấp hơn, việc thực hiện cũng đơn giản hơn so với trước đây nên giá gia công nói riêng và giá trị đơn hàng nói chung cũng giảm theo, trong khi đó, giá đầu vào không ngừng tăng. “Áp lực lớn nhất của doanh nghiệp là nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống để giữ chân người lao động”- ông Hồng nói, đồng thời cho biết mức đầu tư vào hạng mục này của nhiều doanh nghiệp tăng lên 10% trong khi giá gia công không tăng.

Những nút cổ chai

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng thư ký Vitas, trên 70% giá trị sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều từ hoạt động gia công. “Khi đã làm gia công thì sức cạnh tranh chủ yếu nhờ vào năng suất lao động, trong khi đó, năng suất lao động trong ngành dệt may Việt Nam thấp hơn đáng kể so với nhiều nước trong khu vực. Riêng so với Trung Quốc, năng suất lao động Việt Nam thấp hơn bình quân 2,5 lần”- ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang tồn đọng những vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành, trong đó phải kể đến “nút thắt cổ chai” tại khâu sản xuất vải. Năm 2013 ngành may sử dụng 7,4 tỷ m2 vải nhưng phải nhập khẩu tới 6 tỷ m2. Tình trạng này khiến ngành may lệ thuộc nhiều vào phương thức gia công và các ngành thiết kế, thời trang ít có cơ hội phát triển. Ông Phạm Xuân Hồng nói rằng, trong tình cảnh như hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành may mặc không thể nhận được đơn hàng giá tốt và cũng không đủ điều kiện đầu tư tăng năng suất để nâng cao sức cạnh tranh.

Theo Vitas, năm 2013 toàn ngành có 6,1 triệu cọc sợi, sản xuất 720.000 tấn sợi xơ ngắn, 150.000 tấn sợi xơ dài và 1,4 tỷ m2 vải. Cũng theo Vitas, dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ tăng gấp đôi về quy mô vào năm 2025, đạt doanh thu 46 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 40 tỷ USD. Tới lúc đó, để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước, toàn ngành cần có 12 triệu cọc sợi, 12 tỷ m2 vải và 5 triệu lao động.

Các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu vải trong nước sẽ giúp ngành may mặc thoát khỏi lệ thuộc gia công, đồng thời nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, phát biểu tại một diễn đàn của Vitas mới đây, nguyên chủ tịch Vitas Lê Quốc Ân bày tỏ lo ngại bởi việc sản xuất vải ở Việt Nam hiện đang gặp rào cản lớn liên quan vấn đề môi trường.

“Làm vải thì đụng đến nhuộm, nhưng hiện nay hầu hết các địa phương rất e ngại với doanh nghiệp nhuộm, không địa phương nào mặn mà với sản xuất nhuộm có mặt tại địa phương mình bởi lo sợ gây ô nhiễm”- ông Ân bày tỏ . Ông cũng cho rằng, muốn đạt được mục tiêu vừa sản xuất được vải mà vẫn giữ được môi trường thì phải cải thiện cách quản lý.

Ngoài những “nút thắt cổ chai” kể trên, báo cáo mới đây của UBND TPHCM đánh giá vẫn còn nhiều “nút thắt cổ chai” khác liên quan đến thủ tục về thuế, nhất là thủ tục hoàn thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, và thủ tục hải quan còn nhiều hạn chế, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.