Doanh nghiệp bắt tay giảm giá xăng?

Doanh nghiệp bắt tay giảm giá xăng?
TP- Sau hai lần giảm giá xăng liên tiếp trong các ngày 17/10 và 18/10 với mức giảm 500 đồng/lít và trước đó là 2 lần giảm giá xăng cùng ở mức 1.000 đồng/lít, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay nhau để giảm giá xăng? 

>> Xăng tiếp tục giảm 500 đồng/lít

Doanh nghiệp bắt tay giảm giá xăng? ảnh 1
13h ngày 18/10, giá bán lẻ xăng A95, A92 giảm thêm 500 đồng/lít

Khá thẳng thắn khi đề cập vấn đề này trong cuộc trao đổi với Tiền phong ngày 17/10, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex khẳng định việc các doanh nghiệp đăng ký giá bán hoặc điều chỉnh giá bán là một quy trình phải được giữ kín.

Giả sử thông tin này từ khi bắt đầu tiến hành đến khi được giải quyết bị lộ thì trách nhiệm và thiệt hại sẽ thuộc về ai.

Thông tin giá giảm là tốt nhưng nếu như là tăng giá thì sẽ khác. Khi đó có những điều chúng ta không lường hết được đó là tình trạng đầu cơ và người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Dũng, việc tăng giảm giá là quyền của các doanh nghiệp nhưng không thể thông báo trước được. Chỉ khi nào chúng tôi có quyết định điều chỉnh là chúng tôi điều chỉnh. Mọi người cứ nghi ngờ có thể giữa các doanh nghiệp có sự liên kết thế này thế kia trong vấn đề giữ giá. Nhưng thực tế là không có chuyện đấy.

“Về cơ chế chúng tôi cũng phải nói là cần có kỷ luật và không thể làm lộ thông tin giá được. Đến nay tôi không biết các doanh nghiệp khác có điều chỉnh hay không và cũng không cần biết các doanh nghiệp khác có làm hay không hay họ đăng ký từ bao giờ. Còn vì sao điều chỉnh là do chúng tôi đã có đề nghị điều chỉnh trước đó. Chuyện trùng lặp ở mức giá xin giảm cũng là điều dễ hiểu vì trên cùng một mặt bằng giá hiện nay thì có thể tính được”- Ông Dũng cho biết.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc doanh nghiệp chỉ giảm 500 đồng/lít có phải là nhằm “đề phòng” thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 5% hiện nay lên 10% và ảnh hưởng đến mức lãi của doanh nghiệp, ông Dũng khẳng định doanh nghiệp nào hoạt động cũng phải có lợi nhuận.

Tuy nhiên có thể có những giai đoạn, chu kỳ này có lợi nhuận nhưng giai đoạn, chu kỳ sau có thể có lỗ nhưng trên tổng thể hoạt động của một năm thì dứt khoát doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Nên việc điều chỉnh này chúng tôi cũng không quá phụ thuộc vấn đề này vấn đề kia.

Quan điểm của chúng tôi là sẵn sàng điều chỉnh khi các điều kiện cho phép mình điều chỉnh. Còn nếu thuế nhập khẩu tăng lên thì chắc chắn chúng tôi cũng không điều chỉnh tăng giá bán.

Về phần mình, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội trong cuộc trao đổi với Tiền phong cũng cho rằng nói việc giảm 500 đồng/lít xăng như hiện nay đã đủ chưa thì câu trả lời này là khó. Bởi hiện nay, đứng về góc độ tài chính doanh nghiệp thì thời điểm này có vẻ như là không đủ.

Nhưng nếu tính từ đầu năm đến nay, để đảm bảo hạch toán của cả năm 2008 thì nó lại cũng đúng. Có cái dở là những lúc cần phải tăng rất mạnh thì lại không thực hiện được nên đến bây giờ các doanh nghiệp mới điều chỉnh lỗ lãi. Phải đánh giá là cách điều chỉnh là đúng, tương đối uyển chuyển, phù hợp với tình hình quốc tế.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là mức giảm này có tương đương giá xăng trong nước với quốc tế chưa. Nếu nhìn vào cán cân xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng, dầu tinh thì mới thấy lệch rất nhiều. Nếu nhìn vào cán cân này thì năm nay chúng ta lỗ khoảng 1,5-2 tỷ USD. Đây là một trong rất nhiều căn cứ để tính lại là giảm như thế đã đủ chưa.

Trước câu hỏi liệu có việc bắt tay giữa các doanh nghiệp khi có cùng mức giảm giống nhau trong các lần giảm giá vừa qua, ông Kiên cho rằng về mặt quản lý việc giảm giá khi tổ điều hành liên bộ đã công bố để giá xăng sát với giá thế giới thì không có ai điều chỉnh việc giá xăng giảm bao nhiêu.

Có điều nhìn lại thị trường xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh dù số lượng nhà nhập khẩu không phải là ít. Ở đây có một điều là tổ chức cơ cấu của các doanh nghiệp khác nhau và phương pháp hạch toán kinh tế hiện nay của các doanh nghiệp chưa theo kinh tế thị trường nên không tạo được quyền tự chủ cho các công ty địa phương.

Nếu giảm chi phí sản xuất đầu vào thì chi phí của các doanh nghiệp cũng đã khác nhau. Hao hụt vận tải của các doanh nghiệp cũng khác nhau. Nếu vận tải bằng đường ống thì hao hụt chỉ mất 0,5% còn bằng xe ô tô, bằng téc thì ít nhất cũng là 3%-5%. Hao hụt đó ai chịu, chắc chắn là người tiêu dùng chứ không phải doanh nghiệp. Vì vậy phương thức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng góp phần đội chi phí lên.

“Vì vậy nên nói là các doanh nghiệp bắt tay với nhau là rất khó. Chuyện các doanh nghiệp hỏi nhau tình hình giá là cũng có thể xảy ra. Bản thân các nhà doanh nghiệp và lợi ích tự thân của các doanh nghiệp là phải thống nhất được với nhau ở một mức mà họ và xã hội có thể chấp nhận được. Còn quay trở lại vấn đề giảm như xã hội mong muốn thì muốn lãi nhiều thì các doanh nghiệp phải tự cải tổ bộ máy, giảm chi phí đầu vào từ đó giảm chi phí đầu ra và nâng cao được hiệu quả”- Ông Kiên nói.

Trong cuộc trao đổi mới đây với Tiền phong, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho biết với cơ chế cạnh tranh giữa 11 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, thì họ chỉ cần lãi trên 500 đồng là cũng có thể giảm giá để cạnh tranh nhau chiếm lĩnh thị phần.

“Nếu doanh nghiệp cân đối được thì họ thể giảm giá xăng tiếp được. Còn nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những điều trên mà vẫn xin giảm giá nhằm chiếm lĩnh thị trường như đã từng xảy ra cách đây vài năm thì chúng tôi sẽ kiên quyết không phê duyệt khi họ đăng ký xin giảm giá. Quan điểm của Cục Quản lý giá là việc giảm giá xăng dầu phải hợp lý, có lý do, có căn cứ thì mới chấp nhận được”- Đại diện Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.