Doanh nghiệp bứt phá vượt chướng ngại vật

Doanh nghiệp bứt phá vượt chướng ngại vật
TP - Tổng giám đốc Cty Vinamit Nguyễn Lâm Viên ví các doanh nhân Việt Nam một thời như người đi săn, cứ chạy theo các con mồi. Nói cách khác, họ hoạt động một cách thiếu bài bản, và tất nhiên là thiếu tính chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp bứt phá vượt chướng ngại vật ảnh 1
Cty  Kinh Đô, một trong những doanh nghiệp đã và đang bứt phá để vươn lên

>>Bài 1: Rào cản trước áp lực cạnh tranh

Từ giang tay đón gió...

Vì không thể chấp nhận cảnh như người thợ săn và ý thức được sự cần thiết phải tái cấu trúc, từ hơn 4 năm qua Vinamit đã bắt đầu hành trình  tự “lột xác”.

“Mục tiêu của chúng tôi trong việc tái cấu trúc là xây dựng tính chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp” - Ông Viên cho biết.

Đến nay, Vinamit đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó vấn đề cơ bản nhất là trao quyền lực điều hành Cty từ tay một người sang cho một hệ thống, và điều hành bằng “pháp trị” theo cẩm nang.

Ông Viên nói: “Các doanh nghiệp Việt Nam phải bứt phá để vượt qua một chướng ngại vật, tôi cho rằng lớn nhất, là cách quản trị theo cơ chế thiếu kỷ cương kiểu gia đình. Đó là quản trị theo lối tiểu nông, tiểu thương, cảm tính, làm theo sự thuận tiện…”.

Giống như Vinamit, nhiều doanh nhân Việt Nam khác cũng đã chủ động đón chào hội nhập bằng việc bắt tay vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Ông Lê Phụng Hào - Phó TGĐ Cty Cổ phần Kinh Đô cho biết, từ năm 2000 Kinh Đô bắt đầu tái cấu trúc.

Vấn đề mấu chốt nhất, theo ông Hào là xây dựng chiến lược phát triển của Cty. Xuất phát từ chiến lược kinh doanh, Cty bắt đầu các bước tiếp theo là tổ chức lại bộ máy để đáp ứng yêu cầu mà mục tiêu đã đặt ra.

Cũng theo ông Hào, tái cấu trúc không chỉ áp dụng đối với các Cty đang làm ăn thua lỗ. Những Cty đang hoạt động bình thường, thậm chí đang chiếm lợi thế cạnh tranh cao trên thương trường cũng có nhu cầu phải tái cấu trúc.

Ông Hào nhận thấy cái khó nhất là thay đổi thói quen làm việc của con người: từ bỏ thói quen làm việc theo cảm tính, thuận tiện sang làm việc khoa học.

Kinh Đô đã từng bước vượt qua những trở ngại và tổ chức bộ máy theo mô hình tập đoàn, minh bạch và có tính chuyên nghiệp cao. Doanh nghiệp này còn thuê cả những chuyên gia cao cấp từ nước ngoài đến làm việc với chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Theo các chuyên gia, phát triển theo mô hình tập đoàn là xu thế tất yếu, nhưng hiện đang có sự ngộ nhận về tập đoàn. Việc thành lập tập đoàn, nếu có, phải dựa trên tinh thần tự liên kết, không thể cưỡng ép.

“Tập đoàn là cả một quá trình phát triển, cây lớn đẻ ra cây con, chứ không phải gom những cây nấm riêng biệt vào với nhau và gọi là tập đoàn - LS Nguyễn Ngọc Bích nói, đồng thời ông nhấn mạnh - Quản trị khoa học mới đẻ ra tập đoàn, quản trị theo thuận tiện không thể đẻ ra tập đoàn”.

Nhờ vậy, “sức khỏe”, uy tín của Kinh Đô ngày càng được nâng cao và Kinh Đô là một trong những thương hiệu mạnh ở Việt Nam, sánh cả với các thương hiệu uy tín của nước ngoài.

Ông Hào cho biết thêm, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch hóa là điều kiện tối quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư và liên kết làm ăn với nước ngoài - xu hướng tất yếu trong hội nhập.

Theo TS Trần Du Lịch, những năm gần đây, một số doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và lớn, đã chủ động tái cấu trúc và đã thành công, bứt phá vươn lên đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn đến từ nước ngoài, điển hình như Vinamilk, Biti’s, Trung Nguyên… 

... Đến những tập đoàn đa ngành

Xu hướng của những doanh nghiệp đang trỗi dậy mạnh là hình thành, phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành. Cty sản xuất giày dép Bình Tiên (Biti’s) là một điển hình.

Hiện Biti’s đang xúc tiến đầu tư, thương mại, xây dựng, kinh doanh địa ốc… Một trung tâm thương mại cửa khẩu do Biti’s đầu tư với kinh phí 10 triệu USD đang được mọc lên tại Lào Cai, dự kiến đầu quý 3 năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Biti’s đang triển khai dự án trung tâm thương mại Biti’s miền Bắc (giai đoạn 2) tại Hà Tây với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng. Trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng phát triển kinh doanh và hình thành các trung tâm thương mại khu vực tại Cà Mau, Cần Thơ và Đà Nẵng. Biti’s cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các dự án khu thương mại - dân cư tại Long Thành (Đồng Nai), khu dân cư tại Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh)...

Gần đây Biti’s còn mở rộng hoạt động bằng việc hợp tác với Trung Quốc hình thành một liên doanh chuyên về tư vấn thiết kế xây dựng.

Ông Thái Tuấn Chí - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Dệt may Thái Tuấn cũng tiết lộ đang bắt đầu dẫn dắt doanh nghiệp này chuyển sang phát triển theo mô hình tập đoàn. Ngoài việc đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực thời trang, Thái Tuấn còn chuyển hướng đầu tư phát triển các ngành dịch vụ và kinh doanh cổ phiếu.

Bài 3: CUỘC CẢI TỔ NHIỀU ĐAU ĐỚN

MỚI - NÓNG