Doanh nhân đi học

Doanh nhân đi học
Đã mang vào mình nghiệp kinh doanh là họ phải học suốt đời, vì chỉ cần đứng lại trong khoảnh khắc, các đối thủ khác đã kịp vượt lên và về đích trước. Học là một công việc hằng ngày của doanh nhân.
Doanh nhân đi học ảnh 1
Với doanh nhân, việc học được thực hiện cả trong những buổi đi dã ngoại. Trong ảnh: một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ 2030 tại khu du lịch Văn Thánh - Ảnh: N.Hằng

Ông Huỳnh Phú Kiệt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát, cho rằng để điều hành một công ty có hơn 100 nhân viên và 1.000 công nhân ở công trường, bản thân ông cũng phải chạy đua từng giây để có thể hài hòa giữa công việc kinh doanh và việc học.

“Thứ bảy và chủ nhật ở công ty tôi vẫn...  đông vui như ngày thường vì hầu hết mọi người đều đi học. Việc tôi tham gia có tác động đến anh em rất lớn nên tôi luôn cố gắng thu xếp với gia đình để đến lớp trọn vẹn” - ông Kiệt nói.

Là một kiến trúc sư nay chuyển sang làm kinh doanh, ông Kiệt phải đi học lại từ đầu. Ông học tiếng Anh đàm phán, học cách đọc báo cáo tài chính, học kỹ năng lãnh đạo và quản lý... “Nhưng tất cả cũng chỉ có thể dừng lại ở mức thiếu chỗ nào thì đắp chỗ nấy, tôi thấy học không bao giờ đủ cả” - ông tâm sự.

Với ông Lê Trung Thành, phó tổng giám đốc PepsiCo VN, đi dạy cũng là một cách đi học. “Khi tôi chia sẻ kiến thức với các học viên và nhận được phản hồi từ họ, qua đó tôi cũng học được rất nhiều” - ông Thành nói. Theo ông, đối với những doanh nhân mà việc sắp xếp đến lớp vào những giờ giấc cố định là bất khả thi thì chuyện tự học đóng vai trò hết sức quan trọng.

“Tôi thường lên Internet lùng sách. Cái mới đến liên tục, vì thế chúng ta cũng phải tái tạo mình từng giờ, từng ngày. Các doanh nhân làm việc cho hiện tại nhưng phải nghĩ nhiều về tương lai vì họ chính là người đi trước đón đầu các trào lưu kinh doanh mới, chứ không phải đợi lúc chúng đến mới “ra tay” -ông Thành nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một công ty đa quốc gia trong ngành dầu khí cho biết bản thân ông và toàn bộ nhân viên phải trải qua một quá trình đào tạo liên tục kể từ khi bước chân vào công ty.

“Chúng tôi có cả một trường đào tạo chuyên nghiệp trên  mạng do công ty mẹ sở hữu, trong đó giáo trình được thiết kế phù hợp cho từng vị trí, từ tiếng Anh cho đến kỹ thuật chuyên ngành. Mỗi người trong một thời gian nhất định đều phải “tiêu thụ” một khối lượng kiến thức theo yêu cầu, sau đó trải qua những cuộc sát hạch và việc “lên chức” của họ sẽ được dựa trên kết quả bài kiểm tra. Không ai có thể “trốn học” cả vì đã bước vào guồng máy thì phải mở “động cơ” lên thôi nếu không muốn bị đào thải” - ông nói.

Học kinh doanh bằng chữ “tâm”        

Ông Bùi Duy Đức, tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ súc sản Vissan, cho rằng các giám đốc doanh nghiệp nhà nước cũng không thể đứng ngoài dòng chảy “cập nhật tri thức”.

Ông Đức tốt nghiệp kỹ sư chăn nuôi, từng làm giám đốc xí nghiệp chăn nuôi heo trong hơn mười năm. Khi tham gia điều hành doanh nghiệp, ông cũng bổ sung kiến thức về kinh tế cho mình bằng cách theo học tại Đại học Kinh tế và hoàn tất khóa học giám đốc điều hành kéo dài tám tháng.

Ông trầm giọng: “Với tôi, điều không kém phần quan trọng là mỗi doanh nhân phải tự thanh dưỡng tâm hồn mình. Tôi đọc nhiều cuốn sách về đạo làm người để luôn nhắc nhở mình hành xử đúng trong kinh doanh”. 

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, thị trường đào tạo của VN vẫn còn trống trải, thiếu các tên tuổi có uy tín cũng như bề dày kinh nghiệm. “Chúng tôi có rất ít sự chọn lựa, loanh quanh cũng chỉ là những khóa học ngắn hạn của các viện nghiên cứu, trường đại học.

Các khóa học được thiết kế theo tinh thần “mệt mỏi” của học viên sau giờ làm việc nên hầu như rất ít khi yêu cầu chúng tôi nghiên cứu” - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân bộc bạch.

Ở một góc nhìn ngược lại, một tổ chức quốc tế chuyên về đào tạo cho rằng số lượng doanh nhân VN chủ động tiếp cận với đào tạo vẫn quá khiêm tốn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều doanh nhân Việt vẫn chưa tin đào tạo có thể góp phần làm thay đổi hoạt động kinh doanh của họ. Họ cho rằng họ còn phải lo cơm áo gạo tiền, lo kiếm khách hàng mỗi ngày. Còn các chương trình đào tạo giống như một liều thuốc bổ, có cũng được mà không có cơ thể cũng chẳng sao” - đại diện của tổ chức này cho biết.

Theo Như Hằng
Tuổi trẻ

Doanh nhân thành đạt  học như thế nào?

“Cần phải đào tạo con người trước khi tạo ra sản phẩm. Con người có qui củ và chất lượng mới mong có sản phẩm chất lượng”. Đó là một trong những triết lý kinh doanh của ông Masushita Konosuke - nhà sáng lập Tập đoàn Masushita hiện đang sở hữu hai nhãn hiệu nổi tiếng National và Panasonic.

Triết lý này đã được ông áp dụng đối với toàn bộ nhân viên của tập đoàn cũng như với chính bản thân trong suốt cuộc đời. Điều này cũng giống với ông Akio Morita - nhà sáng lập Tập đoàn Sony. Ông luôn tò mò, học hỏi cặn kẽ, nồng nhiệt ngay cả từ người hàng xóm làm nghề bán kem, đến việc chủ động tìm gặp anh em nhà Philips để học hỏi kỹ thuật ghi âm trên đĩa CD.

Trong quyển tự truyện nổi tiếng toàn cầu của mình Made in America, Sam Walton - nhà sáng lập Tập đoàn Wal-Mart - cũng đã nhiều lần nhắc về việc học của bản thân: “Tôi học mọi lúc mọi nơi, với mọi đối tượng, có thể là từ cha của người bạn gái thời còn trẻ, hay ông chủ cửa hàng đối thủ nằm bên kia đường của siêu thị Wal-Mart đầu tiên… Mọi thứ mà tôi có được có lẽ do tôi đã may mắn là một người ham học và biết học những điều khôn ngoan nhất của con người”.

MỚI - NÓNG