Doanh nhân Việt kiều hưởng nhiều ưu đãi hơn doanh nhân trong nước

Doanh nhân Việt kiều hưởng nhiều ưu đãi hơn doanh nhân trong nước
Đông đảo các nhà báo quốc tế đã đến khu du lịch Làng Tôi do ông David Phan Thành, Việt kiều Canada đầu tư, để tìm hiểu về chuyện làm ăn của giới doanh nhân Việt kiều ở Việt Nam.

Nhiều thông tin đã làm cho các nhà báo quốc tế ngạc nhiên, vì chẳng những không có sự phân biệt đối xử mà thậm chí, các doanh nhân Việt kiều còn được ưu đãi hơn doanh nhân trong nước...

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tân Hoa xã (Trung Quốc), ông David Phan Thành cho biết, kể từ năm 1990, chính sách và luật pháp của Việt Nam nói chung, đối với Việt kiều nói riêng ngày càng cởi mở nên lượng Việt kiều về nước làm ăn không ngừng tăng lên.

Đến nay đã có khoảng 1.000 Cty do Việt kiều thành lập tại TP.HCM, riêng Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều có 155 thành viên. Việt kiều có thể mở công ty hoạt động như một công ty của người trong nước.

Ông Thành thẳng thắn: "Tôi về nước từ năm 1985 nên tôi hiểu những khó khăn và thuận lợi, nhưng làm ăn ở đâu mà chẳng vậy. Nói chung, vốn lớn, vốn nhỏ đều có thể làm ăn được. Tôi có thể nói thời điểm này là rất thuận lợi để Việt kiều về nước làm ăn, nếu không sẽ mất cơ hội. Chúng tôi có thể lựa chọn một trong 2 luật để đầu tư là Luật Đầu tư nước ngoài hoặc Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Mặt nào đó có thể nói chúng tôi còn có ưu thế hơn những doanh nghiệp trong nước".

Ông Thành đưa ra ví dụ về trường hợp của một Việt kiều tên Cao Văn Phú đầu tư sản xuất lưới tennis, sau khi xem xét thấy hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn nên đã chuyển đổi sang hoạt động theo luật này một cách dễ dàng.

"Việt kiều về nước đầu tư có ưu thế hơn doanh nghiệp trong nước, vậy có gặp phải sự chống đối hay đối xử tẻ nhạt từ giới doanh nhân trong nước?" - Ông Nguyễn Việt Tiến, nhà báo thuộc TV Việt Tiến, một kênh truyền hình tiếng Việt tại Toronto (Canada) hỏi. Ông Thành nói ngay: "Tôi chưa bao giờ gặp những chuyện như vậy. Họ coi chúng tôi là anh em nên vui vẻ làm ăn, cùng nhau phát triển chứ không có sự ganh tỵ gì cả".

Trước những thắc mắc về chế độ 2 giá ở Việt Nam của một số nhà báo, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Việt kiều Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều giải thích: "Đúng là trước đây ở Việt Nam có chế độ 2 giá giữa người trong nước với người nước ngoài và Việt kiều, nhưng nay chuyện đó đã kết thúc rồi. Bây giờ vé máy bay, tàu lửa... chỉ còn một giá. Chuyện các bạn ra chợ mua phải giá cao chẳng qua là do thương lượng, thuận mua vừa bán giữa người mua và người bán thôi chứ không phải là chế độ 2 giá".

Một nhà báo Hồng Công kể chuyện một Việt kiều ở Hồng Công gửi tiền về Việt Nam và "bị giữ" lại ở ngân hàng đến nửa tháng. Anh ta phải mất thời gian và tiền bạc mới có thể lấy tiền ra được... Ông Thành cho rằng "đó có thể là chuyện xảy ra cách đây lâu rồi chứ bây giờ việc chuyển tiền bạc nhanh và không gặp vấn đề gì cả". "Thế các ông có dễ dàng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài?" - Nhà báo Nguyễn Việt Tiến hỏi. Ông Thành đáp ngay: "Rất dễ dàng, miễn là mọi thứ chứng từ phải rõ ràng".

Sau khi nghe những chính sách của Việt Nam đối với Việt kiều, ông Lăng Đức Quyền - Phóng viên thường trú của Tân Hoa xã (Trung Quốc) nói với phóng viên báo Thanh Niên: "Thật sự mà nói là chính sách của Việt Nam rất hay, rất phù hợp. Cũng giống như ở đất nước chúng tôi, những người Việt Nam ở nước ngoài, xa đất nước vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng phần lớn họ là những người yêu Tổ quốc, quê hương. Có thế có những người không nhất trí với chính sách của Đảng, của Nhà nước nhưng không chống lại là được, yêu nước là được. Tôi thấy chính sách của Việt Nam đối với họ rất có ý nghĩa. Đó chính là tìm được điểm chung: tình yêu quê hương đất nước".

MỚI - NÓNG