Doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam cao lịch sử

TPO - Năm 2018 là một năm thành công rực rỡ và kỷ lục của ngành cá tra Việt Nam, dự báo năm 2019 ngành hàng này sẽ tiếp tục thắng lợi, tuy nhiên, phía trước còn những nguy cơ và thách thức, không thể chủ quan.
Doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam cao lịch sử ảnh 1

Quang cảnh hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 18/2, ông Trương Vĩnh Thành – Phó TGĐ Tập đoàn Sao Mai cho rằng, có thể nói năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp ngành cá tra Việt Nam gặt hái thành công rực rỡ. 

Lâu rồi người nuôi cá tra và các doanh nghiệp (DN) chế biến mới được hưởng niềm vui như vậy. Giá bán cá nguyên liệu chênh lệch nhiều so với giá thành giúp người nuôi lãi lớn. Giá bán thành phẩm giữ ở mức cao, thị trường mở rộng và tăng trưởng tốt, góp phần làm hồi sinh nhiều trang trại nuôi cá và DN chế biến mà trước đây trong tình trạng chờ đóng cửa.

“Và rất biện chứng, tình hình kinh doanh tại nhiều DN cũng đạt những kết quả ấn tượng. Đơn cử như tại công ty IDI (DN nuôi trồng chế biến xuất khẩu cá tra là thành viên của Tập đoàn Sao Mai), tổng sản lượng cá tra đưa vào chế biến tăng 20% so với năm trước, doanh số tăng 27% và lợi nhuận tăng 300% so với năm 2017” – ông Thành cho biết.

Ông Doãn Tới – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Nam Việt cũng nhận định, chưa có năm nào doanh số xuất khẩu cá tra quá thắng lợi như năm 2018. Theo ông Tới, nguyên nhân của thành công đó là do yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc (xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này chiếm hơn 1 tỷ USD trong tổng số 2,26 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cá tra).

Đây cũng là năm giá bán cá tra vào Mỹ cao lịch sử (5 – 6, thậm chí 7 USD/kg). “Nguyên nhân nữa là cung nhiều hơn cầu. Trước đây người nuôi có thể bán cá, sau đó 6 tháng mới lấy tiền, nhưng năm giờ đưa tiền trước mới bán. Năm 2018 là một năm gặt hái trọn vẹn nhất, từ đầu đến cuối năm” – ông Tới nói và cho rằng năm 2019 ngành cá tra sẽ tiếp tục thắng lợi.

Doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam cao lịch sử ảnh 2 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 là một năm ngành hàng cá tra đạt kết quả khá tốt trên cả phương diện sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý khá đồng bộ trên các mặt, hiệu quả tham gia của các bên, hiếm có ngành hàng nào thành công khá trọn vẹn như vậy.

“Quan trọng hơn, nó thể hiện sự trưởng thành vượt bậc từ trước đến nay, sản xuất liên kết chuỗi chiếm 80%; đa dạng hóa được sản phẩm, thậm chí có sản phẩm phụ còn hơn cả sẩn phẩm chính; vượt qua được khắt khe của yêu cầu, quy chuẩn, thể thức của các thị trường. Một năm kỷ lục của các dự án trọng điểm của các DN, ý thức được một chiến lược lâu dài… Không có ngành hàng nông sản nào làm được điều này.” – Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, nguyên nhân của thành công trên là sự kế thừa, tích lũy, chọn lọc, thậm chí bài học của sự trả giá 20 năm qua, có những đau đớn thậm chí hôm nay chưa xóa được. Cùng với đó, có sự vào cuộc quyết liệt của 3 khu vực (cơ quan quản lý nhà nước, DN và người nuôi), trực tiếp Thủ tướng Chính phủ và các bộ tham gia đồng hành, các DN kiên trì, có năng lực, người dân cùng đồng hành..

Củng cố thành quả là mục tiêu số 1

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2019, thuận lợi là có nền tảng của năm trước, thị trường đã mở (Mỹ, EU, Trung Quốc…). Tuy nhiên, đừng ngủ quên trên chiến thắng, phải nêu thách thức cao hơn. Dự báo tăng trưởng toàn cầu không thể như năm 2018, hết sức không chủ quan vào thắng lợi của năm 2018. Sau 3 năm liên tục tăng trưởng, theo quy luật, diện tích cao, sản lượng nhiều thì nguy cơ bệnh tật cũng rất lớn.

Những nguyên nhân thành công của năm 2018, những yếu tố nền tảng đó là kỳ vọng cho những năm tới chứ không phải có ngay trong năm 2019. Do vậy, Bộ trưởng Cường cho rằng năm 2019 phải củng cố thành quả vững chắc của năm qua là mục tiêu số 1. Việc cần làm là chặt chẽ tất cả các công đoạn, quản lý thật chặt, kiểm soát được quy hoạch. Tập trung tận dụng cho được công nghệ mới nhất vào tất cả các công đoạn. Xác định giống là khâu quyết định nhất, then chốt nhất, vì nó quyết định 70% giá thành, quyết định tổ chức thâm canh…

Doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam cao lịch sử ảnh 3 Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Ông Trương Vĩnh Thành của Tập đoàn Sao Mai kiến nghị nên giảm mức thuế VAT từ 10% hiện nay xuống còn 5% cho những sản phẩm GTGT từ cá tra nhằm giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, thu hút DN tham gia vào nghiên cứu sản xuất hàng GTGT. Có chính sách ưu đãi lãi suất tín dụng cho các dự án chế biến sản phẩm GTGT làm từ cá tra.

Nhằm tránh xảy ra khủng hoảng thừa hay thiếu nguyên liệu, đảm bảo chất lượng nguyên liệu và bảo vệ môi trường phát triển bền vững, cần sát sao chỉ đạo các địa phương kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ nơi nào thuộc vùng quy hoạch mới cho phép nuôi cá tra và bắt buộc hộ nuôi phải có hợp đồng bao tiêu với nhà máy chế biến thì mới được thả nuôi; hỗ trợ các địa phương nhanh chóng xây dựng các trung tâm giống theo mô hình liên kết sản xuất giống 3 cấp để đảm bảo nguồn giống tốt, khắc phục tình trạng báo động hiện nay về thoái hóa giống cá tra.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2018 đã xảy ra tình trạng người dân mở rộng diện tích ương nuôi cá tra không dựa trên mối liên kết nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân bằng cung cầu, có thể gây rủi ro cho người ương nuôi cũng như phá vỡ quy hoạch sử dụng đất  của địa phương.

Bên cạnh những cơ sở sản xuất giống có uy tín, vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất giống sử dụng cá tra bố mẹ có chất lượng chưa đạt yêu cầu để cho sinh sản gây ảnh hưởng đến chất lượng cá bột và tỷ lệ ương nuôi. Đã xảy ra hiện tượng một số sản phẩm xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có chứa chất cấm, gây hậu quả xấu và ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam…

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, diện tích ương cá tra giống cả nước hơn 8.500ha, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2017, cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Ba địa phương có diện tích ương giống tăng đáng kể là Long An (tăng 56%), An Giang (tăng 21,1%), Đồng Tháp (tăng 8,8%); 3 tỉnh này cung cấp 83% số lượng giống cần cho nhu cầu nuôi thương phẩm.

Diện tích nuôi thương phẩm khoảng 5.400ha (tăng 3,25% so với năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 15% so với năm 2017). Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre là 3 tỉnh có sản lượng nuôi chiếm 72% sản lượng nuôi cả nước. Diện tích nuôi cá tra thương phẩm đã được chứng nhận GAP trên 3.834ha trong đó riêng diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 1.834ha.

Giá cá nguyên liệu trung bình năm 2018 là 29.800 đồng/kg, cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng 4.000 đồng/kg. Tháng 10/2018 là thời điểm giá cá nguyên liệu ở mức đỉnh điểm (35.000 - 36.000 đồng/kg). Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2017. Năm 2019, chỉ tiêu sản lượng nuôi cá tra là 1,51 triệu tấn (tăng 6,6% so với năm 2018), kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018).

MỚI - NÓNG