Độc đáo nơi bò “xếp hàng” đi vắt sữa

Bò sữa Mộc Châu tuân thủ quy trình chăm sóc để có chất lượng sữa tốt nhất.
Bò sữa Mộc Châu tuân thủ quy trình chăm sóc để có chất lượng sữa tốt nhất.
TP - Quy trình chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu được tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu trồng thức ăn, chăm sóc bò đến vắt sữa, bảo quản, chế biến để tạo nên dòng sữa mát lành khi đến tay người tiêu dùng.

Ngút ngàn thảo nguyên xanh

Từ Quốc lộ 6, rẽ vào những con đường đồi ở Mộc Châu (Sơn La) là những cánh đồng ngô, cỏ xanh ngút tầm mắt. Đây là vùng nguyên liệu cây thức ăn cho vùng chăn nuôi bò sữa của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mochaumilk).

Vừa chất đầy những thân ngô lên chiếc xe kéo, anh Lê Văn Đức (Tiểu khu 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu) hồ hởi: “Đây là lứa ngô thứ 3 gia đình tôi trồng theo quy trình VietGAP. Nhờ sự hướng dẫn của các kỹ sư của công ty, năng suất ngô cao hơn, lượng phân bón  được sử dụng ít và đúng cách. Vừa đảm bảo ngô sạch làm thức ăn cho bò vừa giảm bớt chi phí, lại an toàn cho chính mình”.

Nhiều năm lại đây, nông dân Mộc Châu đã có quy trình sản xuất khép kín, có máy vắt sữa và các thiết bị đồng bộ để bảo quản sữa nhằm giữa chất lượng sữa được tốt nhất trước khi giao cho nhà máy.

Ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Mochaumilk cho biết: “Chương trình liên kết với người dân trong vùng để trồng và cung cấp thức ăn cho chăn nuôi bò sữa của công ty đang cho kết quả rất tốt. Riêng vụ xuân hè 2015, công ty đã mua trên 80.000 tấn ngô cây cả bắp để ủ ướp, 12.000 tấn ngô hạt khô, 3.500 tấn sắn khô tại địa phương. Các chương trình trên đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập khá”.

Theo lãnh đạo Mochaumilk, Mộc Châu có thế mạnh về khí hậu mát lành, thuận lợi cho việc trồng cây nguyên liệu như ngô, cỏ. Nghề chăn nuôi bò sữa Mộc Châu đã phát triển từ những năm 1958. Đến nay, mỗi người dân ở đây như một kỹ sư về trồng trọt, chăn nuôi.

Hiện thức ăn cho bò sữa có nhiều loại. Trong đó chủ yếu là thức ăn tươi như cỏ, ngô; thức ăn phối trộn theo khẩu phần tổng hợp (TMR) và rỉ mật mía. Ngoài lượng cỏ, ngô tươi cho bò ăn hàng ngày, đến mùa thu hoạch, ngô sẽ được băm nhỏ, dùng công nghệ ủ yếm khí. 

Mỗi gia đình, trang trại bò đều có hầm ủ để đảm bảo lượng thức ăn cho bò quanh năm. Mộc Châu cũng là một trong những nơi đi đầu trong việc áp dụng quy trình VietGAP trong trồng trọt và chăn nuôi bò sữa cho toàn bộ các hộ chăn nuôi trong công ty.

Nhờ sự liên kết, tạo được vùng nguyên liệu thức ăn ổn định, quy mô trang trại của các hộ chăn nuôi liên tục mở rộng. Hiện quy mô trung bình của các hộ là 32 con bò/trại, nhiều trang trại có quy mô gần 200 con/hộ, góp phần phát triển sinh kế của người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Hiện tổng đàn bò sữa ở Mộc Châu đã lên tới 18.000 con, cung cấp khoảng 180 tấn sữa/ngày ra thị trường.

Bò tắm mát, xếp hàng đợi gọi tên đi… vắt sữa

Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông Lâm Thanh Trân (Tiểu khu 19/5)- một người từng được mệnh danh “Vua bò sữa Mộc Châu”. Cuối giờ chiều, trang trại của ông nhộn nhịp người cắt cỏ tươi, người lấy thức ăn ủ chua, người dọn dẹp chuồng…phục vụ cho gần 100 con bò. 

Đúng 4 giờ chiều, ông Trân thay quần áo bảo hộ lao động, đi ủng, đeo găng tay rửa sạch bộ dụng cụ chuẩn bị vắt sữa bò. Dọn dẹp, rửa sạch máy vắt, thùng đựng sữa, ông Trân bắt đầu công đoạn vắt sữa.

Ông gọi tên theo số hiệu như 10, 13, 19… lập tức từng cô bò mang số hiệu được gọi thủng thẳng bước vào vị trí vắt sữa. Sau khi được tắm mát, sạch sẽ, núm vú chân không lần lượt chụp vào. Hết mỗi đợt, bò vắt xong về chuồng, lượt bò khác vào vị trí…

Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Mochaumilk cho biết, cũng giống như hộ ông Trân, nhiều năm lại đây, nông dân Mộc Châu đã có quy trình sản xuất khép kín, có máy vắt sữa và các thiết bị đồng bộ để bảo quản sữa nhằm giữa chất lượng sữa được tốt nhất trước khi giao cho nhà máy.

Mọi tiêu chuẩn ở đây đều phải thực hiện rất nghiêm túc theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Quy trình vắt sữa được thực hiện bằng máy. Bò được tắm rửa hai lần/ngày. Trước khi vắt sữa, bầu sữa bò phải được phun rửa sạch để đảm bảo vệ sinh. 

Sau khi thu mua sữa bò mới vắt ra ở nhiệt độ 35 - 37 độ C sẽ được chuyển xuống bảo quản ở nhiệt độ 2 - 4 độ C và kiểm tra nhanh độ tươi của sữa để phân loại. Tiếp đó lấy mẫu của tất cả các bình sữa để kiểm tra các chỉ tiêu như: nhiệt độ, hàm lượng chất khô, chất béo, tỷ lệ vi sinh… trong sữa.

Theo ông Nam, hàng tháng, công ty cũng cử một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra từng hộ chăn nuôi về các điều kiện chăn nuôi sau đó chấm điểm đánh giá từng hộ. Hết quý công ty sẽ tổng kết một lần, hộ nào đạt loại tốt, sữa đạt loại một sẽ được trả thưởng thêm 800 đồng/kg.

Hiện Mochaumilk có 18 điểm thu mua sữa tươi đặt gần trại bò của người nuôi, nên việc mua, kiểm tra chất lượng và đảm bảo sữa được tốt, chất lượng cao.

Theo ông Nam, nông dân nuôi bò có nhiều loại cỏ tốt, bò được chăm sóc sức khỏe và hưởng dịch vụ thú y miễn phí, bò được thụ tinh miễn phí với nguồn giống cao sản tốt, sữa chất lượng cao nên được thu mua với giá thuộc hàng cao nhất cả nước.

MỚI - NÓNG