Nuôi lợn rừng:

Đổi đời

Đổi đời
TP - Nuôi lợn rừng hiện đang là một nghề một vốn bốn lời.
Đổi đời ảnh 1
Trang trại lợn rừng Miền Bắc của anh Phạm Quang Tùng - Ảnh: Phạm Anh

Trang trại lợn rừng Miền Bắc (Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) có trên 70 lợn rừng Thái Lan thuần chủng. Đây là một trong những cơ sở nuôi lợn rừng lớn nhất miền Bắc.

Anh Phạm Quang Tùng, chủ trang trại cho biết, nuôi lợn rừng phải tuân thủ theo tỷ lệ một đực/bốn cái. Một lợn cái mỗi năm có thể sinh hai lứa, lứa đầu khoảng 4-6 con, lứa sau 8-10 con.

Lợn rừng con có các sọc dưa ở trên lưng, sau bốn tháng nặng khoảng 10 kg, năm tháng sau nặng 35-40 kg và có thể sinh sản. Lợn rừng Thái Lan thuần chủng giống có giá  khoảng ba triệu đồng/con (loại dưới 10 kg); 350-380 nghìn đồng/kg (loại trên 10 kg); riêng lợn đang mang thai có giá lên đến 450 nghìn đồng/kg. Theo tính toán của anh Tùng, sau thời gian một năm, nuôi lợn rừng có thể cho thu nhập gấp bảy lần so với lợn trắng bình thường.

Nuôi đầu năm 2008 nhưng anh Tùng có tới tám hợp đồng lợn giống, 15- 50 triệu đồng/hợp đồng. “Nhu cầu nuôi lợn rừng các tỉnh miền Bắc rất lớn nên, ngoài số lợn giống đang cung cấp ở trang trại, cứ hai tháng, tôi nhập thêm 150 con lợn rừng từ Thái Lan, với nhiều lứa tuổi để bán” - anh Tùng nói. 

Theo anh Tùng, lợn rừng dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, khả năng chống chọi bệnh tật tốt. Nguồn thức ăn cho lợn rừng có thể tận dụng từ khoai lang, sắn, ngô, bã mì, đậu, cây chuối, bẹ chuối, thân cây ngô non, rau muống, rau lang, các loại cỏ, các loại rau quả xanh, trái cây,... Hoặc một số thức ăn ít chất xơ, hàm lượng dinh dưỡng cao (lúa, gạo, cám, hèm bia rượu...).

Mỗi ngày một con lợn trưởng thành ăn hết khoảng 2-3 kg rau, cỏ, củ, quả và 0,4kg cám gạo; cho ăn hai lần/ngày.

Thoát nghèo

PGS.TS Phạm Bình Quyền cho biết, để tạo giống lợn rừng lai, lấy lợn cái rừng Thái Lan nhốt ở khu vực bìa rừng (nơi có lợn rừng sinh sống) để có thể giao phối. Thứ hai, cũng dùng cách như trên đối với lợn cái lai kinh tế.

Nước ta có khoảng ba chục trang trại nuôi lợn rừng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh… Một số hộ ở miền Bắc hiện cũng bắt đầu nuôi con vật đặc sản này do khả năng sinh lời lớn.

Theo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, trong Luật Đa dạng Sinh học có hiệu lực từ 1/7 tới đây, có khuyến khích bà con nuôi các động vật hoang dã có thể nuôi được để phát triển kinh tế, đồng thời giảm hiện tượng bắt động vật hoang dã từ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Hơn nữa, ở các tỉnh miền núi, cùng với chính sách giao đất giao rừng cho các hộ, ngoài thu nhập từ rừng, bà con có thêm thu nhập từ gà, lợn rừng, nhím...để xóa đói giam nghèo.

GS Huỳnh cho biết, lợn rừng thuộc loại động vật hoang dã ăn rất tạp, có thể ăn giun, ăn trứng, chuối, khoai lang, rau muống, ngô, vỏ lạc, cây vừng... Khi nuôi lợn rừng, cần chú ý chuồng trại kín đáo nhất là mùa đông; cần có thảm thực vật, trồng cây có bóng mát; cần có đầm nước vì lợn rừng uống nhiều nước, vừa làm cho da mềm, lại chống các loại côn trùng có hại; chuồng phải sạch sẽ.

Hộ chăn nuôi cũng nên tách xa nơi nuôi các động vật ăn thịt như cầy, cáo... cũng như động vật đang nuôi, để tránh các bệnh truyền nhiễm. Quy trình nuôi tốt nhất, đảm bảo sinh thái là tỷ lệ một đực/bốn cái. Mười con, có thể nuôi ở trên diện tích 300 m2. Lợn rừng có tuổi đời 15-20 năm.

Theo PGS. TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, nuôi lợn rừng phù hợp với điều kiện sinh thái ở nước ta, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các tỉnh thuộc Tây và Đông Bắc, nhất là bà con đồng bào Thái, Mường có nhiều kinh nghiệm.

MỚI - NÓNG