Đôla ế, bán không ai mua!

Đôla ế, bán không ai mua!
Ngày 9/10, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam, các ngân hàng thương mại công bố giá USD mua vào và giá bán ra bằng nhau và đều ở mức giá sàn.
Đôla ế, bán không ai mua! ảnh 1
Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chuyện "thừa mứa" USD trở nên "nóng" khi Ngân hàng Nhà nước - với vai trò là người mua và người bán ngoại tệ cuối cùng trên thị trường - vẫn chưa xuất hiện.

Ngày 9/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá ngoại tệ liên ngân hàng là 16.160 đồng/USD.

Dựa trên mức giá này, tỉ giá giao dịch thấp nhất, hay còn gọi là giá sàn, mà các ngân hàng thương mại được phép áp dụng là 16.079 đồng. Gần như tất cả các ngân hàng trong và ngoài nước đều niêm yết giá mua là giá sàn.

"Không muốn mua USD nữa"

Eximbank và ACB là hai ngân hàng đầu tiên diễn tả tình trạng thừa USD của mình bằng cách niêm yết giá mua USD tiền mặt, mua chuyển khoản và giá bán cùng bằng 16.079 đồng. Trong khi đó, "đại gia" của làng ngoại hối Việt Nam, ngân hàng Vietcombank TP.HCM, công bố giá bán ra cao hơn giá mua vào 3 đồng.

Sở dĩ có chuyện chênh lệch này vì trước đó Vietcombank đã "lỡ" mua USD vào với giá cao. Giá vốn cao thì đành "treo" giá bán ra cao, mặc dù Vietcombank biết chắc khách hàng nếu cần USD thì hoàn toàn có thể chạy sang các ngân hàng bạn mua với giá rẻ hơn nhiều.

Tuy niêm yết giá mua vào là 16.079 đồng nhưng một số ngân hàng cho biết, giá giao dịch thực tế có thể thấp hơn, vì không phải ngân hàng nào cũng chạy được "đầu ra".

Hiện một số ngân hàng nước ngoài thậm chí đã ngưng mua vào USD vì sợ vượt tỉ lệ ngân hàng Nhà nước cho phép. Vốn cao nhất của một ngân hàng nước ngoài hiện nay chỉ có 30 triệu USD, điều này có nghĩa họ chỉ được nắm giữ lượng ngoại tệ tối đa 9 triệu USD (30% vốn chủ sở hữu).

Như vậy, việc giao dịch ngoại tệ đang phụ thuộc hoàn toàn vào các ngân hàng trong nước. "Xu hướng là giá USD đang tiếp tục giảm, mua vào lúc này ít bữa nữa giá giảm thêm thì chúng tôi càng lỗ. Cho nên lúc này chúng tôi chỉ giới hạn mua USD của khách hàng quen thôi, khách lạ thì từ chối" - trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng cho biết.

Bất lực với giá giao dịch trên thị trường vì bị "gọng kìm" của Ngân hàng Nhà nước siết chặt, các ngân hàng thương mại quay sang hạ giá trên thị trường liên ngân hàng - thị trường dành riêng các ngân hàng mua bán với nhau.

Mức giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chỉ ở mức 16.050 - 16.060 đồng, thấp đến vậy mà nhiều ngân hàng cũng chẳng thèm mua vào.

Ngân hàng Nhà nước "đóng cửa"

Lãnh đạo một ngân hàng khác than: "Từ hai tháng nay, gần như ngày nào chúng tôi đều đăng ký bán USD cho ngân hàng Nhà nước, nhưng không thấy "ổng" trả lời trả vốn gì cả.

Nếu "ổng" thu USD vào thì mọi thứ đều thông cả. Nhưng đằng này "ổng" đóng cửa, làm tắc đường của cả dòng vốn. Thậm chí có ngày "ổng" không thèm niêm yết giá bán mua gì cả, làm chúng tôi đứng ngồi không yên".

Một số ngân hàng khác cũng cho biết, họ thậm chí gửi cả văn bản "năn nỉ” nhưng cũng chẳng ăn thua.

Một quan chức ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng vẫn đang cân nhắc sự xuất hiện của họ khi nào là phù hợp nhất.

"Nói là thừa USD nhưng đâu phải ngân hàng nào cũng thừa, mà chỉ là những anh mạnh về thanh toán xuất nhập khẩu và có nhiều khách hàng là các nhà kinh doanh chứng khoán nước ngoài kia.

Những anh nào thừa USD thì đi tìm mấy anh thiếu bán lại, cứ tự cân đối với nhau đi, sự can thiệp của ngân hàng Nhà nước lúc này là chưa cần thiết" - quan chức này nói.

Cũng theo quan chức này, việc USD mất giá, tiền đồng lên giá không chỉ vì luồng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh vào Việt Nam mà còn vì đồng USD trên thế giới đang mất giá nặng. Đồng Việt Nam lên giá chỉ là "thừa hưởng" sự lên giá chung của các ngoại tệ khác trong rổ tiền tệ.

"Ngân hàng Nhà nước chỉ xuất hiện khi nào tính thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng thương mại bị đe dọa, tức các ngân hàng hết tiền đồng để mua vào USD. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ để thị trường tạo ra một tỉ giá có thể gây tác hại đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp" - ông này khẳng định.

Theo Như Hằng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG