Dồn dập tăng giá

Dồn dập tăng giá
Những nguyên nhân phi kinh tế của thị trường xăng dầu thế giới đang khiến việc dự báo về thị trường này trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia kinh tế dường như không thực sự lạc quan với tình hình giá cả thị trường trong nước. 
Dồn dập tăng giá ảnh 1

Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia tài chính - tiền tệ thuộc Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đưa ra những phân tích cho rằng, mức lạm phát trong những tháng tới sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát và nhiều khả năng chỉ số giá cả sẽ không có đột biến đáng kể trước những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc bình ổn thị trường.

Lo ngại nhất hiện nay, theo phân tích của bà Hiền, là ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu tới các hoạt động sản xuất và đối với cả nền kinh tế. “Riêng đối với hoạt động vận tải, hiện nay, cầu quá lớn trong khi cung không đủ, cộng với giá xăng dầu tăng đột biến, sẽ khiến cước vận tải tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới giá cả hàng hoá khác”, bà Hiền nói và cho rằng, nếu như những yếu tố khó lường trên thế giới khiến giá xăng dầu tăng tới mức mà nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đưa ra là 90 -100 USD/thùng thì không chỉ nền kinh tế Việt Nam, mà cả nền kinh tế thế giới nói chung sẽ chao đảo.

“Tôi kỳ vọng rằng, ảnh hưởng lớn như vậy sẽ buộc các nước ngồi lại với nhau để cùng xử lý. Giá dầu kỳ vọng được đưa ra là khoảng 60 USD/thùng”, bà Hiền nói.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn giữ quan điểm cho rằng, mấu chốt lâu dài để đối phó hiệu quả với tác động của giá cả thị trường thế giới vẫn là nâng cao hiệu quả, công nghệ, tổ chức lại sản xuất một khoa học để giảm chi phí. “Ở đây, không chỉ là kêu gọi, mà phải có biện pháp cụ thể cả từ phía Chính phủ và doanh nghiệp để các doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch tổ chức lại quản lý, giảm chi phí kinh doanh.

Trong ngành vận tải hiện nay, chi phí dọc đường chiếm tới 30% tổng chi phí, ngang với chi phí xăng dầu. Nếu như các doanh nghiệp vận tải cắt giảm được khoản chi phí “ngoài luồng” này, cộng với nỗ lực tăng hệ số sử dụng phương tiện vận tải, thì hiệu quả của ngành vận tải sẽ rất lớn”, ông Doanh bình luận khi đưa ra con số so sánh về thời gian chạy xe vận tải của Việt Nam là 18 ngày/tháng, 7 - 8 giờ/ngày, trong khi các con số tương ứng ở Nhật Bản là 24 - 26 ngày/tháng và 22 giờ/ngày.

Hơn thế, có lẽ ngành đường sắt đang được trông đợi có những đóng góp tích cực hơn trong hoạt động vận tải nhằm giảm bớt gánh nặng về sức ép giá xăng dầu trong chi phí vận tải. “Tuy nhiên, khó khăn của ngành đường sắt hiện nay là khả năng liên vận. Có lẽ, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa đường sắt và ô tô để khai thác các phương tiện một cách hiệu quả”, ông Doanh cho biết thêm.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, áp lực lớn nhất, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, lại chính là các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, chính tình hình hiện nay buộc các doanh nghiệp nhà nước vốn lâu nay ít quan tâm đến việc hạ giá thành sản phẩm (do được bao cấp) sẽ thực sự tham gia vào thị trường.

Hơn thế, với các doanh nghiệp kinh doanh mang nhiều yếu tố độc quyền hiện nay, đòi hỏi phải có sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động để xoá dần ấn tượng không tốt là tăng giá do độc quyền, do hoạt động không minh bạch. Về vấn đề này, ông Doanh đặc biệt nhấn mạnh đến cơ quan kiểm soát nhằm tạo sức ép buộc các doanh nghiệp này phải tổ chức lại, gủam chi phí, giảm giá thành..., đồng thời hoạt động một cách công khai, minh bạch.

Các doanh nghiệp cũng yêu cầu phải nâng cao tính chủ động và tăng cường khả năng thích ứng và đối phó với các biến động về giá cả. “Đã có những thay đổi tích cực trong cách tiêu dùng, sử dụng của không chỉ các doanh nghiệp, mà cả chính mỗi người tiêu dùng. Trước đây, việc ngành điện đề nghị thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng compact đã gặp phản ứng rất mạnh. Nhưng hiện nay, rất nhiều nhà hàng, khách sạn và các hộ dân đã chủ động thực hiện việc này. Như vậy, nếu trong trường hợp bắt buộc thì các chiến lược để đối phó, giảm thiểu ảnh hưởng từ phía doanh nghiệp luôn phải được tính tới”, bà Hiền nói.

Trong những diễn biến phức tạp của thị trường hiện nay, có lẽ diễn biến của giá vàng có phạm vi ảnh hưởng hạn chế hơn cả. Các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận thành công của việc tách giá vàng ra khỏi thị trường giá cả và điều này đã khiến nền kinh tế không còn bị phụ thuộc vào giá vàng một cách nặng nề như trước. Tất nhiên, sẽ không tránh được những tác động trong hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh dài hạn, song theo ông Doanh thì những ảnh hưởng đó chỉ trong phạm vi của nó.

Theo Đầu tư

MỚI - NÓNG