Đón sóng đầu tư FDI: Bài học đắt giá từ doanh nghiệp Việt

Công nhân Sunhouse sản xuất nồi cơm điện tại nhà máy ở Quốc Oai, Hà Nội
Công nhân Sunhouse sản xuất nồi cơm điện tại nhà máy ở Quốc Oai, Hà Nội
Nhận định về cơ hội đón sóng FDI đầu tư vào Việt Nam sau dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp (DN) cho rằng, DN nội cần cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư bởi thật giả lẫn lộn, thậm chí, giả còn đông gấp nhiều lần thật.

Liên tục đổi mới để tận dụng cơ hội

Chia sẻ tại Tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" ngày 30/6, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến tình hình thị trường mỗi nước đều thay đổi.

“Nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tự lựa chọn, sẽ giảm bớt đầu tư ở đó và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam”, ông Thắng bình luận.

Vấn đề đặt ra, theo ông Thắng cũng như các chuyên gia kinh tế là làm sao để các doanh nghiệp (DN) Việt đón làn sóng đầu tư này một cách hiệu quả nhất .

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, trong bối cảnh công nghệ tiến bộ vượt bậc từng ngày, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quản trị dịch bệnh tốt để Việt Nam có thể mở cửa và nắm bắt những cơ hội do dịch bệnh tạo ra.

Bên cạnh đó, ông Phú đề nghị chính quyền địa phương cũng như cán bộ thực thi hiểu và chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với DN.

Dẫn chứng bài học từ Sunhouse, theo ông Phú, giai đoạn đầu các DN nội có thể làm gia công cho đối tác nước ngoài. Sau đó, học hỏi công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để xây dựng thương hiệu Việt và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.

“Năm 2003, Cty Sunhouse nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát (với 70% cổ phần). Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt”, ông Phú chia sẻ.

Đón sóng đầu tư FDI: Bài học đắt giá từ doanh nghiệp Việt ảnh 1

Công nhân Sunhouse sản xuất ấm đun nước siêu tốc tại nhà máy ở Quốc Oai, Hà Nội

Theo lãnh đạo Sunhouse, công ty đã phải thay đổi rất nhiều để có thể tận dụng cơ hội. Sunhouse đã chuyển mô hình từ kinh doanh tập trung số lượng sang kinh doanh tập trung chất lượng. Công ty này còn phải thuê chuyên gia từng làm Phó tổng giám đốc của Cuckoo sang làm việc. Ông Phú vừa cười vừa chia sẻ rất thật “Lương của chuyên gia này tương đương với mức lương Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang chi trả cho HLV Park Hang Seo”

Hiện tại, theo lãnh đạo Sunhouse, công ty này đang dần tự chủ toàn bộ trong sản xuất, từ khâu nguyên liệu tới hoàn thiện. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện sản xuất vi mạch cho phép Sunhouse có thể tự chủ gần như hoàn toàn trong dây chuyền sản sản xuất.

Lớn hơn sau những bài học đắt giá

Nhận định về đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng làn sóng dễ nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển 1 phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ COVID-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Việc ở gần Trung Quốc, theo ông Phú đã tạo cho Việt Nam lợi thế. Người Việt Nam rất cũng linh hoạt.

Tuy nhiên, ngay cả khi các DN FDI chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, theo ông Phú, các DN nội cũng cần có ý đồ, cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ về công nghệ. Bởi theo ông, nếu không Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế. Việt Nam từng phải trả giá đắt khi rải thảm đỏ đón DN FDI, hậu quả ô nhiễm môi trường khiến nhiều thế hệ sau phải gánh chịu.

Chia sẻ về bài học của Sunhouse, ông Phú cho biết thời gian trước, Tập đoàn có hợp tác với một công ty Hàn Quốc trong đầu tư nhà máy vi mạch. Riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỷ đồng nhưng ông Phú chỉ nắm 49% cổ phần bởi cho rằng bản thân mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên đặt trọn niềm tin vào đối tác.

Tuy nhiên, thời gian hợp tác cho thấy đối tác cũng không phải là công ty có chuyên môn và tiềm lực. Họ thực hiện dự án với hy vọng có thể vay được vốn của ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng bên Hàn Quốc từ chối cho vay khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, ông Phú phải mua lại toàn bộ vốn của đối tác.

Dẫu vậy, sóng gió chưa chấm dứt. Khi muốn hợp tác với một doanh nghiệp Việt khác làm mạch điện thoại cho LG, đối tác kiểm tra và phát hiện ra rằng công suất máy trong dây chuyền mà ông Phú nhập từ đối tác Hàn Quốc quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất mạch. "Đó là bài học đau đớn", ông Phú chia sẻ.

Đón sóng đầu tư FDI: Bài học đắt giá từ doanh nghiệp Việt ảnh 2

Công nhân Sunhouse sản xuất bóng đèn lighting tại nhà máy ở Quốc Oai, Hà Nội

Từ những kinh nghiệm của bản thân, ông Phú cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư bởi thật giả lẫn lộn, thậm chí, giả còn đông gấp nhiều lần thật.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Toàn- Phó chủ tịch VAFIE cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng phải tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.

Bổ sung cho các ý kiến trên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, việc xúc tiến đầu tư cần có địa chỉ, không được chung chung. “Người ta cần mình và mình cần người ta, hai bên gặp nhau”, ông nói.

Tổng thể hơn, theo vị giáo sư, cả bộ máy chính trị phải chuyển động, cả bộ phận công chức, đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động để cho những người lao động tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này mới có thể thành công.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.