Đơn vị không có khả năng tài chính được đặc cách trúng thầu

Đơn vị không có khả năng tài chính được đặc cách trúng thầu
Dù đạt 0 điểm về tài chính, nhưng lãnh đạo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) vẫn quyết cho Liên danh Quyết Thắng - COSEVO trúng thầu dự án nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Ea Kar tại huyện Ea Kar (Đăk Lăk).

Từ giữa năm 2003, Tổng Cty Cà phê Việt Nam đã lập tờ trình số 205 xin Bộ trưởng Bộ NN&PTNT duyệt dự án khả thi sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Ea Kar tại huyện Ea Kar (Đăk Lăk).

Ngày 7/10/2003, Thứ trưởng Phạm Hồng Giang ký Quyết định số  4427 phê duyệt dự án với tổng kinh phí đầu tư trên 14,8 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm bảo đảm an toàn cho hồ chứa đủ tưới 985 ha đất canh tác của 2 nông trường 720,721 và dân địa phương. Việc chỉ đạo và quản lý việc thực hiện dự án được giao cho Cục Thủy lợi. 

Tới tháng 10/2004, thiết kế kỹ thuật mới được duyệt. Cuối tháng 3 sang đầu tháng 4/2005, kế hoạch đấu thầu cùng giá gói thầu số 1 mới được thông qua. Tổ chuyên gia xét thầu gồm 6 thành viên do ông Vương Mân, Giám đốc Nông trường 720 làm tổ trưởng.

Sau khi xem xét tỉ mỉ 6 bộ hồ sơ dự gói thầu số 1, ngày 12/4/2005, tổ xét thầu đã lập biên bản, chọn ra 2 nhà thầu có giá trị dự thầu thấp hơn giá xét thầu của Bộ để chấm điểm hồ sơ dự thầu là Cty TNHH Xây dựng cầu đường Việt Đức, Liên danh Cty Cổ phần xây dựng Quyết Thắng & Cty sản xuất nhôm COSEVO.

Cty TNHH Việt Đức đạt 89 điểm ( Kỹ thuật chất lượng 60, tiến độ thi công 19 và khả năng tài chính 10 điểm) còn LD Quyết Thắng - COSEVO chỉ được 40 điểm cho kỹ thuật chất lượng, 0 điểm về tiến độ và tài chính. Biên bản kết luận: Liên danh bị loại, đơn vị được đề nghị Bộ xét duyệt trúng thầu là Cty TNHH Việt Đức.

Gói thầu số 1 với nội dung công việc là “đập đất”, có giá dự toán 6, 437 tỷ đồng, giá gói thầu 6,131 tỷ đồng. Việc tổ chuyên gia cùng chủ đầu tư và đơn vị chủ quản đều thống nhất đề nghị Cty TNHH Việt Đức trúng thầu với  giá 5,999 tỷ đồng là khả dĩ vì nhà thầu này có đủ năng lực ứng trước 100% vốn, thi công xong trước mùa mưa 2005.

Tưởng rằng đã nắm chắc việc thắng thầu, cán bộ nhân viên Cty TNHH Việt Đức đang rộn ràng tập kết thiết bị nhân lực tới công trình thì bất ngờ ngày 21/5/2005 họ nhận được thông báo không trúng thầu. Hóa ra trước đó, ngày 16/5/2005, Cục Thủy lợi đã ra công văn 176 yêu cầu Ban QLDA “thương thảo với các đơn vị được đề nghị trúng thầu giảm giá và có cam kết ứng vốn để thi công”.

Cũng trong ngày 16/5 lãnh đạo Cục đã ngồi họp với ban QLDA và đại diện Liên danh Quyết Thắng - COSEVO. Chẳng hiểu vì lý do gì lãnh đạo Cục lại ký thừa lệnh Bộ trưởng để quyết cho Liên danh này trúng thầu với giá rất thấp – có 5,111 tỷ đồng, tiến độ thi công từ tháng 1 tới tháng 11 của năm nào không rõ.

Để có giá trúng thầu phi thực tế này, Liên danh đã “sáng tác” ra đơn giá đá dăm 17.000đ/m3, cát 6.000đ/m3 cho khối lượng vật tư hơn 2 vạn m3 chiếm tỷ trọng đến 2/3 gói thầu (trong khi giá thực tế quý I/2005 theo liên Sở Tài chính - Xây dựng xét duyệt thông báo trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, thì giá đá hộc giá luôn thấp hơn đá dăm khoảng 30% đã là 33.400đ/m3, cát 23.000đ/m3.

Thật khó hiểu khi mà chính Tổ tư vấn xét thầu, Trưởng ban QLDA , Chủ đầu tư và cả đơn vị chủ quản - Tổng Cty Cà phê VN  vốn là “mẹ” của Cty Quyết Thắng cũng thấy rõ tình hình tài chính không lành mạnh và thiếu kinh nghiệm tổ chức thi công, không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu của Liên danh Quyết Thắng - COSEVO nhưng lãnh đạo Cục Thủy lợi lại quyết chọn nhà thầu này. Chính vì thế họ đều có ý kiến đề nghị Bộ sửa lại cách chọn thầu lạ lùng của Cục Thủy lợi.

Ngày 29/6/2005, ông Phạm Xuân Sử - Cục trưởng Cục Thuỷ lợi đã ký tên mà không đóng dấu (?) dưới Công văn số 242, trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Cty TNHH XDCĐ Việt Đức. Công văn 242 dài hơn 2 trang, với 6 điều giải thích vòng vo tù mù và ngụy biện đã không hóa giải được điều nào trong số các lập luận mà đơn khiếu nại  dẫn ra để khẳng định cách chấm thầu trên đã vi phạm Luật Xây dựng và Nghị định 16/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. 

Trong thực tế, tình trạng xuống cấp của hồ Ea Kar rất nghiêm trọng, vì thế trong Quyết định số 4427 từ ngày 7/10/2003 do Thứ trưởng Phạm Hồng Giang ký đã yêu cầu việc thi công các hạng mục công trình chống lũ là cống lấy nước và đập đất cho hồ Ea Kar phải xong trước khi vào mùa lũ năm 2004.

Tây Nguyên sắp bước vào mùa mưa lũ năm 2005 với nhiều lời cảnh báo bất thường về diễn biến thời tiết, hồ Ea Kar đã tháo kiệt nước vẫn nằm chờ, vậy mà ông Cục trưởng Cục Thủy lợi lại cho đẩy lùi thi công gói thầu đập đất đến “trước mùa mưa lũ năm 2006” .

Cục Thủy lợi có xác minh trước khi quyết, chọn đơn vị trúng thầu hay chưa? Nếu sau này phát hiện xảy ra việc bán thầu thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nếu đập Ea Kar vỡ, mạng sống của biết bao người dân và hàng chục tỷ đồng thiệt hại kinh tế biết quy cho ai?

Trên tinh thần thượng tôn luật pháp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cần quan tâm xem xét đến nguyện vọng rất chính đáng của nhiều cán bộ nhân dân tỉnh Đăk Lăk, là cho lập đoàn tư vấn độc lập vào phúc tra lại kết quả xét thầu  trong vụ chấm thầu bất minh nói trên .

MỚI - NÓNG