Đóng cửa hàng, chuyển hướng bán online vì Covid-19

Phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) vốn tấp nập khách nay vắng hoe vì các cửa hàng đóng cửa.
Phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) vốn tấp nập khách nay vắng hoe vì các cửa hàng đóng cửa.
TPO - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cửa hàng trên phố tạm đóng cửa vì không có khách, nhiều nơi chuyển sang bán online. Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài vì dịch bệnh.

Trước diễn biến dịch Covid-19 đang gia tăng ở Việt Nam, nhiều tuyến phố với các cửa hàng từ ăn uống, thời trang trên Hà Nội đồng loạt đóng cửa vì không có khách. Những tấm biển được dán trước các cửa hàng xin phép tạm đóng cửa vì dịch.

Chủ cửa hàng thời trang Helen trên phố Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) thông báo đóng cửa vì nhân viên về quê, khách đến mua trực tiếp giảm. Cửa hàng chỉ còn bán online nhưng số lượng đặt mua cũng hạn chế vì giờ người dân chỉ quan tâm đến sức khỏe thay vì mua sắm.

Trên phố Xã Đàn, nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, ăn uống lớn cũng đang trong cảnh đìu hiu, ế ẩm vì dịch. Nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa, có nơi còn thông báo cho thuê lại mặt bằng kinh doanh.

Hay như trên phố Hồ Xuân Hương, một quán cà phê thu hút giới trẻ giờ cũng dán thông báo tạm đóng cửa vì dịch và chưa hẹn ngày mở lại.

Chủ một cửa hàng cà phê trên phố Giảng Võ chia sẻ: “Dịch không biết bao giờ mới hết nhưng các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thiệt hại lớn khi khách đến quán giảm. Hiện, chúng tôi thông báo đến khách hàng là chỉ phục vụ mang đi và không nhận khách uống tại quán để phòng chống dịch cho cả khách và nhân viên”.

Để chống đỡ qua mùa dịch, chị Bích Thu, chủ cửa hàng thời trang trên phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) tăng cường quảng cáo, bán hàng online. Cùng với việc tăng cường quảng cáo, chị Thu cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như miễn phí ship trong bán kính 2km, tặng voucher khi mua hàng… để kích cầu.

Chị Hằng Nga, chủ cửa hàng bán chăn ga, gối chọn cách livestream bán hàng qua mạng, giảm giá cho khách vào giờ vàng. "Tôi nhập hàng trăm triệu tiền hàng từ trước nhưng ra Tết ế ẩm lại dính thêm dịch khiến hàng không bán được, đang âm cả vào vốn. Giờ chỉ còn cách đẩy nhanh, bán lỗ mới hết số hàng này nên tôi tích cực bán qua mạng xã hội.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills Hồ Chí Minh phân tích, đối với thị trường bán lẻ, Covid-19 có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến.

Bà Trang chia sẻ thêm: “Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài hơn mà có thể làm tăng tốc những thay đổi mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm của chúng ta, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời. Giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại, chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê.”

Hình ảnh hàng loạt các cửa hàng trên phố ở Hà Nội đóng cửa vì dịch:
Đóng cửa hàng, chuyển hướng bán online vì Covid-19 ảnh 1
Đóng cửa hàng, chuyển hướng bán online vì Covid-19 ảnh 2
Đóng cửa hàng, chuyển hướng bán online vì Covid-19 ảnh 3
Đóng cửa hàng, chuyển hướng bán online vì Covid-19 ảnh 4
Đóng cửa hàng, chuyển hướng bán online vì Covid-19 ảnh 5
MỚI - NÓNG