Đồng euro muốn chia sẻ thị phần ngoại tệ tại Việt Nam

Đồng euro muốn chia sẻ thị phần ngoại tệ tại Việt Nam
Dù đã 6 năm lưu hành, nhưng tiềm lực của đồng euro chưa được khai thác hết tại thị trường Việt Nam. EU không giấu tham vọng rằng, trong tương lai gần, đồng USD thực sự có đối thủ trên thị trường tài chính Việt Nam.

Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam (EU) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm nay (18/7) phối hợp cùng tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (euro). Đây là hoạt động nằm trong dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ giữa Việt Nam và EU cũng như 6 năm đồng euro lưu hành trên thị trường.

Tại diễn đàn này, các chuyên gia đến từ Ủy ban châu Âu, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, nhiều tiềm lực của đồng euro chưa được khai thác hết tại thị trường Việt Nam. Và dù đã 6 năm được lưu hành, đồng euro tại Việt Nam chưa đạt được vị thế tương xứng so với đồng USD.

Euro còn dè dặt

Cố vấn Nhóm nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Đăng Doanh, nhận định: "Đồng euro đã được chào đón khá nhanh chóng, đã thiết lập được vai trò khá vững chắc trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vị trí của nó còn khá khiêm tốn so với quy mô về thương mại, đầu tư trực tiếp và du lịch của khu vực EU".

Ông Doanh chỉ ra rằng, theo kế hoạch, khối lượng đầu tư trực tiếp (FDI) cam kết từ các nước EU vào Việt Nam là 5 tỷ euro, nhưng hiện mới thực hiện được 3,5 tỷ euro. Tiền gửi tiết kiệm bằng euro đã tăng nhanh trong năm 2004 nhưng hiện tỷ trọng tiết kiệm bằng đồng euro trong tổng tiền gửi bằng ngoại tệ mới chiếm khoảng 4,8 - 10%. Con số này nhỏ hơn nhiều so với đồng USD.

Hiện, tỷ trọng các giao dịch thanh toán thương mại bằng euro chiếm khoảng 13% tổng giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ tại Việt Nam. Một tỷ lệ lớn giao dịch thanh toán vẫn được thực hiện bằng USD.

Sẽ rộng cửa hơn với euro

Theo ông Phạm Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính - Bộ Tài chính, luồng vốn đầu tư gián tiếp bằng euro chưa tương ứng với tiềm năng và mối quan hệ giữa EU và Việt Nam. Nguyên nhân do giới doanh nghiệp ở các nước EU chưa thực sự có đầy đủ thông tin về quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

EU đang là nguồn cung cấp đầu tư và viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam. Trong năm 2004 EU được xếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch mậu dịch 7,5 tỷ Euro.

EU hiện đang đứng top 5 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam .

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU dự kiến năm 2005 sẽ lên tới trên 6,5tỷ USD, tăng 29,9%.

Nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng qua các năm, chủ yếu là máy móc thiết bị phục vụ phát triển công nghiệp, tin học và tự động hoá.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam tính đến năm 2004 đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Ông Dũng cho biết, trong lộ trình tự do hoá thị trường tài chính, các tổ chức tài chính từ các nước EU sẽ được tham gia ngày càng sâu vào thị trường tài chính của Việt Nam, đi theo các thể chế đó vào Việt Nam là vốn bằng đồng euro, lãi suất vay nợ bằng đồng euro.

Việt Nam đã tiến hành nâng dần tỷ trọng đồng euro trong  dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá giữa VND/euro có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán và bảo toàn khối lượng dự trữ ngoại hối.

Dự kiến tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần huy động trong giai đoạn 2006 - 2010 là 15,8 tỷ USD, tương đương trên 13 tỷ euro, trong đó các doanh nghiệp EU là đối tác quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề an ninh tài chính sẽ luôn được quan tâm song song với tiến trình mở rộng quan hệ kinh tế - tài chính với EU nhằm đảm bảo cho thị trường tài chính Việt Nam hoạt động ổn định. Như vậy, tức là Việt Nam sẽ phải tăng dần tỷ trọng euro trong tổng dự trữ ngoại hối và tổng vay nợ quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát từ xa đối với hoạt động huy động và vay nợ bằng euro của các tổ chức tài chính.

MỚI - NÓNG