Đồng nhất chính sách thuế thu nhập cá nhân

Đồng nhất chính sách thuế thu nhập cá nhân
TP - Theo dự kiến, nội dung căn bản của Dự Luật Thuế TNCN là thu nhập từ tiền công, tiền lương, từ đầu tư gián tiếp, hay kinh doanh đều sẽ áp chung một biểu thuế.

"Điều này đảm bảo chính sách đồng nhất, thay vì phân biệt đối tượng, mức nộp thuế khác nhau như trước đây" - Bà Đỗ Thị Thìn, Trưởng ban thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế), thành viên ban soạn thảo dự luật này, khẳng định trong cuộc trao đổi với Tiền phong.

So với Pháp lệnh thuế Thu nhập cao (TNC), ngoài quy định lại mức khởi điểm chịu thuế, Dự luật Thuế TNCN sẽ có thêm quy định về “khấu trừ gia cảnh” (hoàn cảnh gia đình của từng người cũng được xem xét để khấu trừ thuế).

Cụ thể, Nhà nuớc sẽ tính đến trường hợp những người có thu nhập phải thực hiện nghĩa vụ nuôi con cái, nuôi bố mẹ già, người thân tàn tật... để khấu trừ gia cảnh khi tính thuế trong gia đình. Phần còn lại ngay từ thu nhập vượt đầu tiên sẽ phải nộp thuế.

Theo bà Thìn, quy định này chắc chắn sẽ được nhiều người ủng hộ và phù hợp với thực tiễn nước ta bởi như khi kê khai thu nhập năm 2004 và 2005,  rất nhiều ca sỹ, nghệ sỹ thuộc diện chịu thuế đã “phàn nàn” khi mức tính thuế thu nhập không được khấu trừ gia cảnh như nuôi mẹ già, con nhỏ hay những chi phí khác...

Tại Pháp lệnh thuế TNCN ngưỡng chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng đối với người VN, 8 triệu đồng/tháng đối với người nước ngoài, vậy khởi điểm chịu thuế của Luật thuế TNCN dự kiến sẽ là bao nhiêu?

Bà Thìn cho biết: “Hiện chưa thể đưa ra một con số chính thức vì mức khởi điểm chịu thuế còn phải căn cứ vào nhu cầu, chi tiêu xã hội (Bộ Tài chính đang khẩn trương tiến hành về điều tra thu nhập chi tiêu của một số hộ gia đình trên cả nước để có thể đưa ra những tính toán ban đầu - PV).

Tuy nhiên, có thể nhìn sang một số nước cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Úc hay Nhật Bản để tham khảo cách làm. Chẳng hạn bên Thái Lan, việc khấu trừ thường dựa trên tiêu chí chi phí tối thiểu nuôi con cái hay chăm sóc người thân.

Theo đó, mức thu nhập không phải chịu thuế có thể lên tới 40% thu nhập nhưng không được vượt quá 60.000 baht/năm (tương đương 1.467 USD)... Còn ở Nhật mức trừ lớn nhất cũng không vượt quá 380.000 yen/năm.

“Quan điểm ở Việt Nam ngoài điều kiện trừ gia cảnh, có thể tính thêm trừ chi phí về bảo hiểm y tế rồi còn lại là tính điều tiết về thuế” - Bà Thìn chia sẻ.

Sẽ có hàng chục triệu người phải nộp thuế?

Đồng nhất chính sách thuế thu nhập cá nhân ảnh 1
Ca sĩ Đan Trường - Người luôn nộp thuế thu nhập ở mức cao

Trong Dự luật Thuế TNCN đang soạn thảo, phạm vi và đối tượng điều chỉnh được mở rộng hơn so với Pháp lệnh thuế TNC rất nhiều.

Cụ thể, Dự luật TNCN sẽ quan tâm đến cả những nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản, từ việc kinh doanh của hộ cá thể (hiện đang là đối tượng nộp thuế  thu nhập doanh nghiệp), thậm chí cả nông dân đầu tư sản xuất trên đất đai thuê lại vượt định mức được giao.

Bà Thìn cho hay: Dự Luật còn tính sẽ điều chỉnh cả những hộ có tài sản cho thuê. Chẳng hạn nếu có cửa hàng, biệt thự và nhà ở cho thuê tại các phố cổ ở Hà Nội, TPHCM, người có tài sản sẽ bị tính điều tiết thuế trên cơ sở mức “bỏ túi” hàng tháng, năm của họ.

Việc thu từ đầu tư gián tiếp qua hình thức mua bán cổ phần, cổ phiếu, gửi tiết kiệm trước mắt có thể cân nhắc chưa thu ngay nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ điều chỉnh.

"Nếu áp tất cả các đối tượng trên, chắc chắn cả nước sẽ có hàng chục triệu đối tượng trong diện nộp thuế" - Trưởng ban thuế TNCN Tổng cục Thuế khẳng định. 

PV Tiền phong đặt câu hỏi hiện tại, thu từ chuyển nhượng bất động sản và thu từ tiền gửi tiết kiệm là những khoản điều tiết rất nhạy cảm. Vậy cách quản lý của Luật dự kiến sẽ thế nào?

Thành viên ban soạn thảo dự luật đã phân tích: “Về bất động sản, có thể chọn 1 trong 2 phương pháp.

Thứ nhất, thu phần trăm trên chênh lệch từ khi mua vào đến khi bán ra. Phuơng pháp này nếu thực hiện được sẽ đảm bảo công bằng nhưng sẽ rất khó tính toán nếu người mua hay bán ngoài tiền cá nhân còn phải huy động vốn vay trả lãi ngân hàng.

Thứ hai là đơn giản ấn định một tỷ lệ thuế chuyển nhượng (hiện tại là 4%). Nếu thị trường BĐS vận hành tốt, đây sẽ được xem là một nguồn thu đáng kể của Thuế TNCN (khoảng 400 tỷ đồng/năm). Thu nhập từ tiết kiệm, có thể điều tiết trên lãi tiền vay.

Phương pháp quản lý là các ngân hàng sẽ tạm khấu trừ phần trăm khi tính lãi tiền gửi. Đến hết năm, cá nhân có thể tổng hợp lại (kể cả trường hợp gửi nhiều sổ hay nhiều ngân hàng) và làm tờ khai xin thoái trả cho cơ quan thuế nếu xét thấy số tiền lãi thu được chưa đến mức phải nộp”.

Nhà nước làm vậy, sợ rằng sẽ nhiều người dân không muốn đem tiền đến gửi nhà băng vì tự dưng lại mất một khoản cho thuế?

Bà Thìn trấn an và phân tích kỹ càng: “Người dân không nên nghĩ thế vì đây là thu nhập từ đầu tư gián tiếp, việc ảnh hưởng lãi nhiều mà không phải chịu thuế là bất hợp lý (tại các nước Úc, Nhật, Trung Quốc đều đã áp dụng thuế suất toàn phần).

Nếu không đem tiền gửi nhà băng mà tự cất giữ hay mua vàng tích trữ, đương nhiên họ sẽ phải chịu rủi ro rất cao. Hơn nữa, dự luật chắc sẽ tính điều chỉnh người gửi những khoản tiền rất lớn mà thôi. (VD: Có thể quy định thu nhập từ lãi trên 60 triệu/năm mới phải nộp thuế - PV). 

Năm 2005, thuế thu nhập cao đã đem lại cho NSNN 4.400 tỷ đồng, vượt 7,3% so với dự toán, tăng trưởng 25% so với năm 2004.

Nếu hạ mức điều tiết và mở rộng đối tượng tới từng cá nhân có thu nhập, chắc chắn trong tương lai, thuế TNCN sẽ đem lại một nguồn thu lớn cho đất nước (tại Nhật Bản thu từ thuế TNCN chiếm 30% tổng thu ngân sách).

Theo lộ trình, Luật Thuế TNCN dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội lấy  ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2006. Sau khi có ý kiến và chỉnh sửa, dự luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đầu năm 2007.

Tại buổi gặp mặt báo giới tháng 1/2006, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Dự kiến Luật thuế TNCN có thể đưa vào thực hiện từ năm 2009.

 
MỚI - NÓNG