Đồng ruộng xác xơ vì nạn chuột

Lột da chuột đem bán ở Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: Hồng Lĩnh
Lột da chuột đem bán ở Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: Hồng Lĩnh
TP - Đồng bằng sông Cửu Long năm nay lũ kém, nước không tràn đồng, chuột sinh sôi nảy nở nhiều khiến đồng ruộng xác xơ, hoa màu bị tàn phá.
Lột da chuột đem bán ở Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: Hồng Lĩnh
Lột da chuột đem bán ở Tịnh Biên (An Giang).
Ảnh: Hồng Lĩnh.

Nước ít, chuột nhiều

Những ngày này, lên vùng biên giới tỉnh An Giang giáp với Campuchia, thấy nhiều người chạy xe máy chở phía sau rọ sắt đựng đầy chuột. Anh Nguyễn Văn Tân, một thương lái chuyên mua chuột cả chục năm nay ở xã An Nông (Tịnh Biên, An Giang), cho biết, anh mua chuột bán ra các chợ, quán ăn, nhà hàng nhiều năm nhưng chưa thấy năm nào chuột nhiều như năm nay. Năm ngoái, mỗi ngày anh mua được chừng 30 kg, hiện anh mua mỗi ngày 100-150kg, có bữa trên 300 kg chuột.

Anh Lê Văn Nhiển ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) nói cứ nhìn vào lượng xe máy chở chuột thường xuyên qua lại trên đường sẽ thấy chuột năm nay nhiều đến mức nào. Trên tuyến biên giới của An Giang, lúa đông xuân thường xuống giống sớm ở các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (Tri Tôn) vì là vùng đất cao. Xã Vĩnh Gia còn giáp với rừng tràm và bạch đàn nên chuột về càng nhiều.

Cứ mỗi khi thương lái dừng xe để mua chuột của nông dân đem ra bán, lại nghe lời than thở: “Lúa nhà tôi bị chuột cắn phá hết rồi”. Nơi đây đang thành khu vực săn bắt và lột da chuột. Ruộng vườn không còn sản xuất được, nhiều gia đình quay ra chất chà để nhử bắt chuột.

Tại cầu Lò Gạch, có hơn 100 người đến từ Cái Dầu (Châu Phú, An Giang) kết hợp với dân địa phương đào hang, gài rập bắt chuột và thịt bán tại chỗ. Anh Nguyễn Văn Hùng, người địa phương, cho biết, trung bình mỗi đêm bắt được gần chục ký chuột, lột da xong bán giá 26.000 - 30.000 đồng/kg.

Lúa, màu bị phá nát

Nông dân Nguyễn Văn Đơn ở xã Vĩnh Gia than thở, lúa gieo sạ mới 4 - 5 ngày tuổi đã bị chuột chạy phá, phải đánh bả hằng đêm. “Nhưng thấy không ăn thua, chắc phải bỏ mặc để nhờ trời”, ông nói.

Ở xã An Cư (Tịnh Biên), ông Chau Bol cho biết, ông vừa sạ 5 công lúa và đã bị chuột ăn rất nhiều. Chỉ xuống ruộng, ông nói: “Dấu chân của chuột vô số và đây là vỏ trấu của lúa giống bị chuột ăn”. Dưa hấu trồng trong xã vừa mới trổ nụ cũng bị lũ chuột càn lướt chết héo.

Sau lưng sườn núi Cấm thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, những đám bắp trên đồi Thalot xơ xác. Ông Nguyễn Hoài Thanh trồng 5 công bắp buồn bã kể: “Bắp của tôi đã được 2 tháng rưỡi, ra trái và làm hạt rất đều. Vậy mà mấy ngày qua chuột càn tới, nhiều chỗ chỉ còn trơ cùi. Vốn liếng đầu tư hết vào đấy cả, không khéo mang nợ”.

Ở xã An Nông (Tịnh Biên), ông Lương Văn Kỷ lắc đầu ngao ngán: “Lúa lên xanh bị cắn từng vạt, còn 5 công lúa vụ 3 của tôi nằm bên kia con mương, đang chín được nửa bông thì chuột cắn đổ rạp”.

Xã Lương An Trà (Tri Tôn) giữa mùa lũ mà đồng ruộng chỉ ngập nước từ 3 - 4 tấc, rất thấp so với trung bình nhiều năm. Ông Lê Đình Châu, Chủ tịch UBND xã, nói, cuối tháng 10, đầu tháng 11, mực nước trên đồng có nhích lên chút ít nhưng không đáng kể. Xã có 152 ha nếp vụ 3 đang làm đòng và trổ bông nằm trong vùng đê bao lửng cũng không thoát miệng chuột.

Ngành NN&PTNT tỉnh An Giang đang hướng dẫn bà con nông dân biện pháp diệt chuột, bảo vệ môi trường và sức khỏe. Nhiều nông dân nghĩ rằng, chuột sẽ giảm nếu giá thịt chuột cứ cao như hiện nay, trên dưới 30.000đồng/kg. Khi giá cao, sẽ có nhiều người đi bắt chuột để bù đắp thiệt hại mùa màng (?).

MỚI - NÓNG