Đồng USD có nguy cơ bị tẩy chay

Đồng USD có nguy cơ bị tẩy chay
Trong tình hình USD giảm so với các đồng tiền khác trên thế giới, ngày càng có nhiều người lạnh nhạt với USD, phong trào từ chối USD bùng lên khắp nơi.
Đồng USD có nguy cơ bị tẩy chay ảnh 1
Ảnh: Fotosearch

Mấy tháng này, du khách đến Ấn Độ khi thanh toán vé cổng vào các khu du lịch bằng USD thường nhận được câu trả lời: “Cảm ơn, không dùng USD, chúng tôi cần rupee ”.

Hơn 120 điểm du lịch chính tại Ấn Độ thu vé cổng bằng rupee hoặc đồng tiền khác chứ không phải USD theo yêu cầu của Chính phủ.

Thông cáo của bộ Văn hóa Ấn Độ ghi rõ: “Để tránh tình trạng tỷ giá USD so với rupee giảm một cách trầm trọng, làm giảm thu nhập, yêu cầu các điểm du lịch không nhận USD”.

Trước đây, chính phủ vẫn cổ vũ người nước ngoài thanh toán vé cổng các khu du lịch bằng USD. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD so với rupee giảm 12%. Điều đó có nghĩa nếu thu bằng USD, một lượng lớn thu nhập của ngành du lịch sẽ bị thất thoát còn nhận bằng rupee, thu nhập sẽ cao hơn.

Chẳng hạn vé vào cổng khu du lịch Taj Mahal, di sản thế giới khi tỷ giá USD so với rupee là 1:50, chính quyền quy định tiền vé vào cổng là 5 USD. Hiện nay, tỷ giá hối đoái USD so với rupee là 1:39, vé vào cổng được quy định 250 rupee, tương đương với 6,5 USD.

Năm ngoái, hơn 4 triệu du khách đến Ấn Độ, mang lại thu nhập 6,6 tỷ USD. Tờ Financial Times của Anh cho biết, sau khi quy định mới được thực thi, du khách tham quan các điểm du lịch tại Ấn Độ sẽ phải trả thêm 30% so với mức giá trước đây.

Trong tình hình USD giảm so với các đồng tiền khác trên thế giới, ngày càng có nhiều người lạnh nhạt với USD, phong trào từ chối USD bùng lên khắp nơi. Nhiều nước và nhân vật nổi tiếng không dùng USD, yêu cầu đối tác chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền khác ngoài USD.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc yêu cầu các xưởng chế tạo tàu thuyền kê hóa đơn bằng đồng won. Ba nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới là Iran, Venezuela và Nga cũng yêu cầu doanh nghiệp bản xứ thanh toán bằng euro hoặc đồng tiền khác không phải USD.

Mới đây, ông trùm chứng khoán Warren buffett (Mỹ) khi được hỏi đồng tiền nào mạnh nhất thế giới đã trả lời: “Không phải USD”. Công ty của Warren không thu tiền mua cổ phiếu bằng USD.

Ngay cả công ty tài chính Quantum của hai ông trùm chứng khoán Jim Rogers và George Soros cũng chuyển sang kinh doanh nhân dân tệ có sẵn. Đầu tháng 11 này, siêu mẫu Gisele Bundchen (Brazil) lên tiếng từ chối nhận thù lao bằng USD, thay vào đó là euro.

Một giáo sư đại học Johns Hopkins (thành phố Baltimore, Mỹ) trả lời trên bản tin của Bloomberg cho rằng: “Các giới bên ngoài mất lòng tin đối với USD, phản ảnh sự không hài lòng đối với chính phủ Bush. Sắp tới, dù đảng nào lãnh đạo chính phủ mới cũng phải đối mặt với thách thức trên”.

Có chuyên gia lo lắng USD tượng trưng cho sức mạnh của Mỹ, giảm đến mức không xoay chuyển được.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG