Đồng USD đang thật sự hồi phục?

Đồng USD đang thật sự hồi phục?
Chưa đầy một tháng, trên thị trường thế giới đồng EUR đã mất giá gần 9% so với USD, giá vàng thế giới giảm một mạch hơn 200 USD/ounce, xuống 772 USD/ounce, giá dầu cũng giảm 30%. Các diễn biến này liên quan đến hai nền kinh tế lớn là Mỹ và châu Âu.
Đồng USD đang thật sự hồi phục? ảnh 1

Ảnh: T.T.D. - Đồ họa: V.CƯỜNG

Thị trường ngoại hối thế giới đang chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của đồng USD so với các đồng tiền chuyển đổi chính, và sự ảm đạm của thị trường hàng hóa với đà giảm mạnh của vàng và dầu.

USD mạnh do… EUR yếu

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính Mỹ cách nay tròn một năm, đây được cho là thời điểm lạc quan nhất cho các nhà đầu tư đang nắm giữ đồng USD. Mặc dù vẫn còn tồn tại sự hoài nghi của một số nhà đầu tư về việc nền kinh tế Mỹ có thật sự trải qua được giai đoạn khó khăn nhất hay không, nhưng nếu nhìn vào diễn biến USD trong một tháng trở lại đây thì có vẻ như sự lạc quan đang dần trở lại đối với các nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Thực tế cho thấy sự hồi phục của đồng USD không chỉ đến từ triển vọng khả quan của nền kinh tế Mỹ, mà đang ẩn chứa sau đó rất nhiều yếu tố hỗ trợ. Một trong số đó là sự suy yếu của đồng EUR với việc nền kinh tế khu vực EU đang có nguy cơ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2008 và đầu 2009. Sẽ không sai khi nói rằng đà hồi phục của đồng USD bắt nguồn từ sự suy yếu của đồng EUR!

Với đà tăng mạnh của giá cả năng lượng và thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng sáu của khu vực EU đã chạm mức cao nhất trong vòng tám năm là 4,1%. Để chống lại nguy cơ lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất (LS) cơ bản đồng EUR từ mức 4%/năm lên 4,25%/năm.

Động thái tăng LS lần này của ECB đang đặt ra những khó khăn mới, khi dữ liệu thống kê cho thấy niềm tin kinh tế của khu vực EU đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm. Kinh tế của một số nước thành viên như Tây Ban Nha, Đức và Ý đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Trong một phát biểu mới đây, chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet tiếp tục bày tỏ mối lo ngại của ông đối với tình hình kinh tế trong khu vực EU.

ECB cũng cho biết các ngân hàng đang thắt chặt tiêu chuẩn cho vay. Động thái này của các ngân hàng châu Âu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thanh khoản trên thị trường tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản đầu tư của khu vực này trong và ngoài khu vực EU.

Đến lượt kinh tế EU khó khăn

Thống kê mới nhất trong báo cáo tháng tám của ECB thì cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính kéo dài từ trung tuần tháng 8-2007 đến nay đã làm sụt giảm mạnh các dòng vốn đầu tư, theo đó ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế của EU.

Tại khu vực thương mại, tăng trưởng xuất khẩu của toàn khối chỉ tăng nhẹ kết hợp với sự leo thang của giá cả hàng nhập khẩu đã ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại trong bốn tháng trở lại đây. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trong tháng năm giảm 3,4% trong khi giá nhập khẩu tăng 4,5%.

Thị trường lao động EU cũng cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại trong những tháng tới đây. Theo báo cáo mới nhất, việc làm mới trong tháng bảy đã giảm trở lại tại khu vực công nghiệp và dịch vụ, nhiều khả năng sẽ giảm thêm khi các doanh nghiệp đang có dấu hiệu muốn giới hạn sản xuất và cắt giảm nhân công.

Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng bảy là 7,3%, tăng 0,1% so với tháng sáu. Số người thất nghiệp đang gia tăng tại hai nền kinh tế lớn là Đức và Tây Ban Nha trong tháng bảy khoảng 130.000 việc làm, cao nhất kể từ năm 2003. Những thông tin trên cho thấy nền kinh tế châu Âu quý 2 đang trong đà suy giảm. Sự sụt giảm trong đầu tư và sự biến động của giá năng lượng và hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này.

ECB cho biết sẽ theo dõi sát sao diễn biến giá năng lượng và hàng hóa để đưa ra chính sách tiền tệ thích hợp. Vào giai đoạn này mục tiêu bình ổn giá vẫn đang được đưa lên hàng đầu. Diễn biến giá dầu thế giới và giá hàng hóa sẽ là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định về LS đồng EUR.

Kinh tế Mỹ lấy đà hồi phục

Những phân tích gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đối mặt với những điều tồi tệ nhất và đây đang là giai đoạn cho đà hồi phục, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) gần như đã ở giai đoạn cuối của chuỗi cắt giảm LS USD và không loại trừ khả năng sẽ bước vào giai đoạn tăng LS trở lại. Giá dầu giảm và việc các dòng vốn đầu tư đang có dấu hiệu quay mạnh trở vào thị trường tài chính thì nền kinh tế Mỹ đang nhận được những sự hỗ trợ mạnh mẽ.

Theo một thăm dò mới nhất của Reuters đối với các nhà kinh tế, ngân hàng và quỹ đầu tư hàng đầu thế giới về triển vọng LS, kết quả cho thấy LS đồng EUR sẽ được giữ nguyên đến quý 1 và sẽ giảm trở lại từ quý 2-2009. Chênh lệch LS giữa EUR và USD nhiều khả năng được thu hẹp và điều này sẽ hỗ trợ mạnh cho đồng USD và ảnh hưởng xấu lên đồng EUR.

Theo Đức Hải
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.