Dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam sẽ bị giảm sút

Dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam sẽ bị giảm sút
TP - Tại cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư ở Cty chứng khoán Tân Việt chiều 16/10, TS Võ Trí Thành, Viện nghiên cứu kinh tế quản lý T.Ư cho rằng, Việt Nam bị tác động lớn đến một số lĩnh vực.

Đó là các lĩnh vực như: Thị trường xuất khẩu; dòng vốn FDI và ODA sẽ giảm, vì các chế định tài chính sẽ quay trở lại đầu tư vào chính đất nước họ; kiều hối  (đạt 6,5 tỷ năm 2007) sẽ khó tăng do thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, cuộc sống khó khăn hơn và cuối cùng là tiêu dùng sẽ giảm sút.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Mỹ), xu thế chung là đồng đô la Mỹ sẽ yếu đi, và nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá như hiện nay, đồng thời lạm phát giá vẫn duy trì ở mức 25-27% như hiện nay thì tỷ giá thực của VNĐ so với USD sẽ tăng.

Ông phân tích: “Điều này nhìn chung đúng cho các ngoại tệ của các nước chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính Mỹ, tất nhiên là với các mức độ khác nhau...”.

Tuy nhiên TS Võ Trí Thành, lại đưa ra dự báo tỷ giá sang năm 2009 có thể lên mức 17.500- 17.800 VND/USD do đồng đô la mạnh lên và điều này sẽ có lợi cho xuất khẩu.

Ông Mạc Quang Huy, chuyên gia tài chính độc lập, hiện đang có mặt tại Australia thì nhận định: “Xét cụ thể, các tác động của cuộc khủng hoảng tới Việt Nam mang tính gián tiếp chứ không dẫn đến đổ vỡ mang tính hệ thống.

Theo xác nhận của Ngân hàng Nhà nước, nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam được gửi tại các ngân hàng an toàn. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư nhiều ra quốc tế.

Với việc các quốc gia bảo lãnh hệ thống ngân hàng thì chúng ta cũng không lo các khoản tiền gửi liên ngân hàng tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên tác động của khủng hoảng quốc tế trong khi tình hình trong nước còn khó khăn thì chúng ta cũng phải hết sức thận trọng.

Quan điểm cá nhân của ông Huy: Việt Nam cần ưu tiên nguồn lực để giải quyết các vấn đề của riêng Việt Nam, đó là vấn đề lạm phát và nguy cơ bùng phát nợ xấu ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Còn ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (nguyên Thống đốc NHNN) phân tích: Việc ngân hàng trung ương các nước đua nhau hạ lãi suất là để cứu nền kinh tế tránh khỏi suy thoái. Việt Nam cũng đang hành động tương tự khi mà các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại, đang tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ và giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Động thái Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp như nâng lãi suất dự trữ bắt buộc từ 1,2% lên 5% và thanh toán các trái phiếu cho các ngân hàng thương mại đang cải thiện khả năng thanh khoản cũng như giảm bớt chi phí cho ngân hàng thương mại, giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đây là việc làm vừa phục vụ cho nhu cầu chống lạm phát, vừa khai thác tốt khả năng để tăng trưởng hợp lý” - Ông Kiêm nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG