Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Đồng ý giảm giá xăng, giữ nguyên giá than

Đồng ý giảm giá xăng, giữ nguyên giá than
TP - Trong buổi làm việc với các bộ, ngành về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường ngày 12/8 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý giảm giá bán xăng và giữ nguyên giá bán than.

“Các bộ, ngành phải tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu, đảm bảo cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân. Đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí nhằm công khai, minh bạch các chỉ số giá tiêu dùng...”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2007 đã tăng 6,19% so với tháng 12/2006 và tăng 8,39% so với tháng 7/2006.

Tuy nhiên, không có đột biến về giá xảy ra và mức tăng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô trong 7 tháng qua.

Nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là do giá thị trường thế giới tăng, kéo giá trong nước tăng theo. 

Để giải quyết tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 1/8/2007 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường.

Chỉ hơn 10 ngày qua, các bộ đã triển khai nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị của ngành và hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện.

Nổi bật là Bộ Tài chính đã tổ chức ngay các đoàn kiểm tra chi phí sản xuất, giá thành, các yếu tố hình thành giá của những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đang có giá tăng cao không hợp lý.

Kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa dịch vụ theo giá niêm yết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá theo qui định của pháp luật.

Tạm thời giữ ổn định giá đối với những hàng hóa dịch vụ thuộc quyền định giá của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh các biện pháp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá thành như:

Cước vận tải hành khách bằng xe buýt, giá nước sạch... tăng cường kiểm soát chi, chấn chỉnh kịp thời việc chấp hành đúng các qui định về biện pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng và chi tiêu ngân sách Nhà nước.

Đồng thời ban hành ngay các quyết định về giảm thuế xuất nhập khẩu đối với một số nhóm hàng đang có chỉ số giá tăng cao; thành lập các đoàn kiểm tra liên bộ tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang bán hàng hóa với mức giá cao. Rà soát và kiểm tra cân đối cung-cầu hàng hóa dịch vụ...

Nhờ vậy, các hàng hóa vẫn giữ ở mức ổn định, tâm lý người tiêu dùng đã bớt lo lắng hơn trước và tin tưởng vào quyết tâm bình ổn giá của Chính phủ.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo để tăng nhanh sản lượng nông nghiệp vụ thu đông, vụ mùa sắp tới và thực hiện mọi biện pháp dập dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh ở lợn và tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, khoanh vùng xử lý các ổ dịch bệnh ngay từ khi mới xuất hiện.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan (Khí tượng Thủy văn, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, lực lượng Hải quân...) phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp đồng bộ, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, tập trung nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... phối hợp với các bộ quản lý sản xuất tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và chủ động điều hành để bảo đảm cân đối của nền kinh tế, trước hết là cân đối lớn về hàng hóa, tiền tệ, cán cân thanh toán, chi ngân sách.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần hạn chế nhập siêu.

Tổ chức tốt và bảo đảm thị trường, hàng hóa lưu thông thông suốt và tháo gỡ khó khăn về tình trạng giải ngân chậm, ách tắc trong giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách hành chính trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh xuất khẩu và đảm bảo cung-cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải tính toán không để xảy ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng chiến lược thiết yếu như: lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu... Riêng về điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng, Thủ tướng đồng ý giảm giá bán xăng và giữ nguyên giá bán than.

MỚI - NÓNG