Đột biến tỷ giá VND/USD

Đột biến tỷ giá VND/USD
Tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tăng qua từng ngày, đặc biệt nhanh và mạnh trong một tuần trở lại đây.
Đột biến tỷ giá VND/USD ảnh 1
So với thời điểm đầu năm, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 0,98%, sát với mức 1% mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho cả năm nay. Ảnh: Việt Tuấn.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 15/8 đã lên mức 16.173 VND; của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 16.213 VND và các ngân hàng thương mại cũng bán ra mức 1 USD = 16.213 VND. Còn trên thị trường tự do, để mua 1 USD phải cần tới 16.290 VND.

So với thời điểm đầu năm, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 0,98%, sát với mức 1% mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho cả năm nay. Còn so với mức tăng bình quân 10 VND/tháng trong những tháng gần đây, tỷ giá đã có một bước đột biến.

Nhận định về diễn biến này, một quan chức của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cho rằng hoàn toàn bình thường và nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Mức tăng nói trên, theo ông, một phần được nhìn nhận từ diễn biến tỷ giá của các ngân hàng thương mại đầu năm. Đó là diễn biến chưa từng có trên thị trường ngoại hối khi tỷ giá của các ngân hàng thương mại thấp hơn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước; nguyên do là nguồn cung tăng mạnh, các ngân hàng “đặt” giá thấp để hạn chế mua vào.

Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cũng cho rằng nguồn ngoại tệ vào Việt Nam thời điểm đầu năm là một dòng chảy chưa từng có trong lịch sử điều hành thị trường tiền tệ Việt Nam. “Đây một phần chứng minh môi trường đầu tư, khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam; mặt khác cũng là cơ hội để tăng dự trữ ngoại tệ” - Ông Tiến nói.

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 7 tỷ USD, có những ngày mua tới 500 – 600 triệu USD. Còn trong khoảng một tháng trở lại đây, theo nguồn tin của VnEconomy, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng mua vào.

Dù vậy, lực hút mạnh của Ngân hàng Nhà nước trong 5 tháng đầu năm đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tỷ giá các ngân hàng thương mại sau một thời gian “chảy ngược” đã đảo chiều, tăng cao hơn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong 3 tháng gần đây. Ở thời điểm này, tỷ giá của các ngân hàng vẫn có thể tăng mạnh bởi biên độ cho phép hiện còn dư 0,25%.

Về nguyên nhân, do tỷ giá của các ngân hàng thương mại thấp hơn Ngân hàng Nhà nước từ cuối năm 2006 và kéo dài những tháng đầu năm 2007 nên so với mức hiện nay tạo một bước tăng cao.

Nguyên nhân nguồn cung được chú ý hơn cả, trước hết là từ tác động mua vào mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, kế đến là nhu cầu của doanh nghiệp. Trong các quyết định tăng lãi suất thời điểm này, các ngân hàng đều có cùng nhận định nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đang tăng mạnh.

Theo nhận định của vị lãnh đạo Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, vay ngoại tệ, cụ thể là USD, lúc này lợi hơn vay VND, bởi không phải đối mặt với lạm phát đang tăng cao và có lãi suất thấp hơn. Ghi nhận của Sở Giao dịch là hiện cầu cao nhưng hầu hết các ngân hàng đều khá chủ động được nguồn vốn; hiện chưa có nhu cầu xin mua ngoại tệ gửi về Ngân hàng Nhà nước.

Về nguyên nhân từ lạm phát, theo ước tính của một số chuyên gia, với mức tăng của giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 6,19%, tỷ giá có thể lên đến 17.000 VND. Tuy nhiên, do chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được “trung hòa” theo một rổ các đồng tiền trong thanh toán xuất nhập khẩu, do chính đồng USD đã mất giá mạnh trên thị trường thế giới nên tỷ giá VND/USD được giữ ở mức hiện tại.

Còn về một nguyên nhân khá quan trọng là khả năng lượng vốn đầu từ gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán đang cơ cấu lại danh mục đầu tư. Một số có thể rút khỏi thị trường vì giá cổ phiếu cao, thị trường chứng khoán ảm đạm. Một số có thể hạch toán lợi nhuận chuyển về chính quốc. Nếu có những nhu cầu này thì lượng ngoại tệ quy đổi sẽ rất lớn, gây áp lực cầu tăng, tỷ giá tăng.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Don Lam - Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, không có xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ có hiện tượng ngừng mua vào và giữ vốn tại các ngân hàng thương mại.

Còn theo khẳng định của lãnh đạo Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hiện không có hiện tượng rút vốn nói trên; bởi nếu xẩy ra, không chỉ tỷ giá biến động mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nói chung.

Theo Minh Đức
Vneconomy

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.