Đột phá cải cách hành chính để thúc đẩy kinh tế

Đột phá cải cách hành chính để thúc đẩy kinh tế
TP - Sáng 18/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội về một số vấn đề quan trọng trong công tác quản lý, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Đột phá cải cách hành chính để thúc đẩy kinh tế ảnh 1

Hà Nội được xây dựng ngày một hiện đại, khang trang hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Lãnh đạo TP Hà Nội đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế-xã hội năm 2006 và những công việc lớn đến năm 2010.

Theo báo cáo này, kinh tế Hà Nội phát triển nhanh và khá toàn diện trong 5 năm (2001-2005): tổng sản phẩm tăng bình quân 11,25% (công nghiệp tăng 13,3%/năm, dịch vụ tăng 10,45%/năm, nông nghiệp tăng 2,05%/năm).

Đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 17,6%/năm. Riêng 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng 11,16% so cùng kỳ, thu ngân sách tăng 10,4%, tổng đầu tư xã hội ước đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ.

Về quản lý - xây dựng đô thị: Hà Nội đang phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu quy hoạch vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; hợp tác với TP Seoul (Hàn Quốc) triển khai dự án “Lập quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội”.

Thành phố đã chỉ đạo xây dựng và cơ bản hoàn thành Chương trình tổng thể phát triển thủ đô Hà Nội; triển khai xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép nâng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố từ 32% lên 40-45% (giai đoạn 2007-2010) để tạo điều kiện cho Hà Nội chủ động thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khung, chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố kiến nghị Thủ tướng một số vấn đề cụ thể về cơ chế-chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng, quản lý đô thị; cho lùi việc bán nhà theo NĐ 61 sang năm 2007; giải quyết dự án thí điểm kè cứng hóa bờ sông Hồng, công tác chuẩn bị Hội nghị APEC 2006, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Thành phố đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành sớm ban hành “Quy chế quản lý việc tăng dân số cơ học tại Hà Nội, quản lý hộ khẩu khu vực giáp ranh, gắn với quy hoạch dân cư đô thị và vùng nông thôn”…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo thành phố phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng GDP 8,5% trong năm nay.

Muốn vậy, Hà Nội phải rà soát lại sản xuất, xuất khẩu, đầu tư, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách quan hệ giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, các lĩnh vực cấp phép dự án, đất đai, “sổ đỏ”, xây dựng… của Thủ đô còn kéo dài, nhiều tầng nấc, khiến người dân và doanh nghiệp kêu ca. Vì vậy Hà Nội phải đột phá từ cải cách hành chính để thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, công tác chống tham nhũng, lãng phí phải được triển khai mạnh mẽ. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý minh bạch, rõ ràng. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm lập xong quy hoạch vùng Thủ đô; cho phép mở rộng địa giới hành chính; quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, văn minh.

Đồng thời phải đề xuất cơ chế vốn, tránh tình trạng quy hoạch rồi để đấy (quy hoạch treo). Về phát triển sản xuất, Thủ tướng lưu ý, Hà Nội cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp-công nghệ cao, kinh tế dịch vụ.

Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy nhanh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Hà Nội thực hiện các đề xuất - kiến nghị cụ thể của thành phố.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.