Hầm Tam Đảo và Đường Vành đai 5:

Đột phá cho Vùng Thủ đô

Đột phá cho Vùng Thủ đô
TP - Sau ba năm nghiên cứu, theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND nhiều tỉnh, hai tổng Cty Xây dựng Hà Nội và Sông Đà cùng Cty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ vừa hoàn thành sơ thảo dự án Hầm Tam Đảo và Đường Vành đai 5 (VĐ5) Vùng thủ đô.
Đột phá cho Vùng Thủ đô ảnh 1
Hầm Tam Đảo theo phương án hai cửa

GS-TS Nguyễn Trường Tiến (một trong những người nêu ý tưởng và trực tiếp nghiên cứu) cho rằng “Dự án có quy mô lớn, quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển KTXH và ANQP toàn vùng, của quốc gia, quốc tế”.

Theo ông Nguyễn Trường Tiến, dự án được lập trước hết trên cơ sở Quyết định 490/QĐ-TTg của chính phủ (CP) về quy hoạch Vùng Thủ đô; Quyết định 90/QĐ-TTg của CP về quy hoạch giao thông; và trên nhiều cơ sở.

Hầm Tam Đảo (Km O của VĐ 5) được xây dựng theo hướng tây nam – đông bắc, từ Quân Chu (Thái Nguyên) sang Minh Quang (Vĩnh Phúc); cao độ 270m (thấp hơn tượng Phật 49m của Thiền viện Trúc Lâm), dài 2.100m, đường dẫn 30 km; thi công (14 tháng) bằng công nghệ NATM (Áo).

Có hai phương án, một và hai cửa hầm. Nếu một cửa, sẽ tương tự hầm Đèo Ngang.

Độc đáo VĐ 5

Đột phá cho Vùng Thủ đô ảnh 2
Lược đồ Vành đai 5.

Dự án nhằm nhiều mục tiêu: Phát triển KT - XH Vùng Hà Nội bán kính 50 - 60 km, ảnh hưởng 100 - 150 km; Đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, làng văn hóa, trạm dừng chân, hồ, kênh chứa nước, du lịch tâm linh về với chính mình;

Phát triển giao thông liên vùng và đáp ứng nhu cầu, giảm thời gian, giảm tai nạn giao thông, giảm áp lực giao thông đô thị và dân số; bảo vệ an ninh đất nước, đoàn kết dân tộc;

Liên kết các trung tâm phát triển kinh tế, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thương nghiệp, làng nghề thủ công, văn hóa, giáo dục, y tế...; Tạo cơ cấu mới, tương tác mới, tương tác năng lượng, khai thác tiềm năng văn hóa châu thổ sông Hồng...;

Đầu tư, quản lý điều hành dự án theo mô hình mới - Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp cùng làm; Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng chất lượng, giảm giá thành, tăng giá trị...

Chủ đầu tư kiến nghị:

* Giai đoạn 2010 – 2012, đầu tư 341 triệu USD, xây dựng đường hầm Tam Đảo một cửa, VĐ5 có hai làn xe. 2012 – 2017: 347,5 triệu USD, thêm một cửa hầm; VĐ5 lên bốn làn xe. 2007 – 2012: 640 triệu USD, VĐ5 lên tám làn xe.

* Chủ đầu tư được giao đất, được miễn thuế TNDN 5 - 7 năm, giảm 50 phần trăm thuế TNDN chín năm tiếp theo.

Từ hầm Tam Đảo, VĐ5 đi qua nhiều địa phương; trong đó có TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Sơn Tây, Xuân Mai (Hà Nội), TP Hưng Yên, TP Hải Dương, TP Bắc Giang, TP Thái Nguyên, huyện lỵ Đồng Văn (Hà Nam)...

Các điểm nút, thị trấn, khoảng cách sẽ được khảo sát kỹ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; một số trường hợp sẽ làm đường tránh...

VĐ5 dài 320 km; bán kính 50 – 60 km (từ hồ Hoàn Kiếm); qua 10 tỉnh, TP (18 triệu dân); vùng ảnh hưởng 100 – 150 km; nếu hai làn xe thì chi phí hết 320 triệu USD, bốn làn xe 640 triệu USD, sáu làn xe 960 triệu USD, tám làn xe 1.280 triệu USD.

Dọc VĐ5 sẽ phát triển các đô thị vệ tinh; xây dựng trạm dừng chân, làng văn hiến VN, công viên nghĩa trang... Mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường sẵn có; sử dụng các cầu hiện hữu (giai đoạn 1); mở rộng các cầu Yên Lệnh, Phú Lương, Bình (giai đoạn 2). Xây dựng nút giao thông khác cốt, lập thể; làm mới cầu Vĩnh Thịnh, cầu Cẩm Lý, hầm Tam Đảo.

Mặt cắt VĐ 5 là 100 – 140 m, gồm mặt cắt đường tám làn xe và các kênh, hồ tích nước ven đường. Mỗi làn xe rộng 3,5 m. Dải phân cách 5m. Mặt đường bê tông hoặc asphalt.

Áp dụng thiết kế và quản lý điều hành nút giao thông lập thể, đường giao thông, bán vé... của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số tuyến đường hiện hữu cho VĐ5 Vùng Thủ đô.

Áp dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu, quản lý, huy động vốn đầu tư xây dựng và khai thác (BOT) cầu Phú Mỹ (TP HCM) để đầu tư, xây dựng, khai thác cầu Vĩnh Thịnh, cầu Cẩm Lý trên VĐ5 Vùng Thủ đô.

Đầu tư, xây dựng, quản lý theo lối mới

Điều quan trọng nhất ở đây không phải quy mô, kinh phí (1,3 tỉ USD), mà ở phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý mới. Một Cty CP (Cty mẹ) sẽ được lập, ký hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) với các địa phương, BOT với Chính phủ; chỉ đạo tám Cty con hoạt động nhiều lĩnh vực liên quan Dự án.

Trung tuần tháng 8/2009, báo cáo đề xuất đầu tư đã gửi đến Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Huy động vốn 20 phần trăm từ ngân sách nhà nước, 20 phần trăm của chủ đầu tư, 20 phần trăm từ quỹ đất và BOT, 30 phần trăm vay ODA, còn lại vay trái phiếu CP. Huy động vốn quỹ đất dọc VĐ5, dự kiến mỗi ha góp được năm tỷ VND.

Để gọi được 20 phần trăm vốn từ quỹ đất, chủ đầu tư phải có doanh thu 4.400 tỷ VND từ kinh doanh 880 ha đất và đầu tư thêm 8.800 tỷ VND (suất đầu tư 10 tỉ VND/ha) ngoài nguồn vốn đầu tư cho Dự án.

Theo cách này, dự kiến 30 năm hoàn vốn vay; 10 – 15 năm hoàn vốn chủ đầu tư và cổ đông; 30 năm hoàn vốn từ kinh doanh hạ tầng BOT; 10 – 15 năm hoàn vốn từ kinh doanh dự án đô thị, công nghiệp, làng nghề, nghĩa trang, làng văn hiến, trạm dừng chân.

MỚI - NÓNG