Dự án đường sắt TP HCM – Cần Thơ: Sẽ nắn tuyến để 'đổi đất'?

TPO - Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677km. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị tư vấn đã có đề xuất thay đổi hướng tuyến nhằm đạt hiệu quả triển khai dự án.

Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ được phê duyệt vào năm 2013 tại Quyết định 2563/QĐ-BGTVT. Theo đó, hướng tuyến của dự án có điểm đầu hàng hóa tại ga An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm đầu hành khách tại ga Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM) và điểm cuối tại ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677km. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị tư vấn đã có đề xuất thay đổi hướng tuyến nhằm đạt hiệu quả triển khai dự án.

Tại buổi làm việc liên quan đến dự án trên diễn ra ở Tiền Giang hôm nay (19/4), đại diện đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn kỹ thuật giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) cho biết hướng tuyến của dự án đã được duyệt xác định là bám sát các đô thị, bao gồm thị trấn Bến Lức, TP Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang), TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) và Cần Thơ, tổng cộng có 14 ga và 2 trạm khách.

Dự án đường sắt TP HCM – Cần Thơ: Sẽ nắn tuyến để 'đổi đất'? ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đại diện TEDI SOUTH, mục tiêu đầu tư của dự án là xã hội hóa, sử dụng các nguồn thu liên quan đến dự án để cân đối, bù đắp cho kinh phí để đầu tư xây dựng. Sau khi rà soát, tư vấn nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến mới là bám sát theo bên trái đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ và sẽ có khoảng 100km được điều chỉnh so với hướng tuyến trước đây, chủ yếu qua Long An, Tiền Giang và một phần của TP HCM. Ngoài nguồn thu từ bán vé, để hoàn vốn cho dự án, đơn vị tư vấn cũng đề xuất sử dụng quỹ đất xung quanh các ga đi qua TP HCM, Long  An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Theo đại diện TEDI SOUTH, tất cả những khu đất tại các ga được định hướng phát triển đô thị nên sẽ xin chuyển từ đất nông nghiệp và các loại đất khác sang đất đô thị, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ tạo ra sự chênh lệch, đem lại lợi ích cho dự án…

Sau khi nghe trình bày phương án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng như vậy là chưa thuyết phục. Theo Bộ trưởng Thể, điều mà ông muốn biết là cụ thể tại những quỹ đất xung quanh các ga sẽ đầu tư những hạng mục công trình ra sao.

“Ông phải tính ông làm cái gì ở đây, bây giờ đất ở đây giá bao nhiêu và khi ông chuyển sang làm cái gì đó, nó sinh lợi gì, phải tính toán được như vậy mới có thể đề xuất dự án” – Bộ trưởng Thể nêu vấn đề và cho rằng muốn dự án khả thi thì trên cơ sở quỹ đất được cấp phải thể hiện rõ ràng, chi tiết đầu tư ra sao, phải tính toàn bộ các quỹ đất sinh lợi như thế nào, như vậy bộ mới có cơ sở để trình Chính phủ phê duyệt dự án.

Chưa thể đưa ra kết luận cụ thể về dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện và phải đề ra được các giải pháp hoàn vốn về tài chính cho dự án từ việc đề xuất điều chỉnh hướng tuyến, yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam hỗ trợ cho tư vấn và việc này phải được hoàn thành trong 3 tháng, nếu chậm nhất là sau 6 tháng.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 173,67 km, tốc độ thiết kế 200 km/h. Có 9 nhà ga đi qua các tỉnh: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ga Tân Kiên (TP.HCM về Cần Thơ), còn giai đoạn 2 tuyến từ ga Tân Kiên đi An Bình (Bình Dương).

Dự án đã được đồng ý chủ trương nghiên cứu từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị tư vấn vẫn chưa thuyết phục được các phương án khả thi về tuyến, về hạn mức đầu tư, và đặc biệt là tính khả thi trong vấn đề thu hồi vốn.

MỚI - NÓNG