Dự án Luật Đầu tư: “Đã tiếp thu phần lớn các ý kiến”

Dự án Luật Đầu tư: “Đã tiếp thu phần lớn các ý kiến”
Ban soạn thảo, Ủy ban thẩm tra dự án Luật Đầu tư đã tiếp thu như thế nào sau hàng loạt ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận?

Báo giới vừa có cuộc trao đổi với TS Đặng Văn Thanh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật):

Ông đánh giá như thế nào về ý kiến góp ý dự án Luật Đầu tư vừa qua?

Có thể nói dự án Luật Đầu tư vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến tích cực, thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội và dư luận. Hầu hết ý kiến này đều đi vào những vấn đề rất cụ thể, trong đó những vấn đề có ý kiến ngược chiều nhau trong cách thức xử lý. điều này chứng tỏ đây là một bộ luật đang được dư luận rất quan tâm.

Qua đây có thể thấy rằng quá trình đang chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam còn những ý kiến khác nhau xung quanh việc tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Tuy nhiên thông thoáng đến mức nào, khuôn khổ pháp lý đến đâu... đang cần nhiều ý kiến đóng góp.

Hiện nay dư luận đang quan tâm sau những ý kiến đóng góp như vậy, cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo dự luật đã tiếp thu như thế nào?

Sau khi kết thúc thảo luận, ban soạn thảo, ban thư ký... đã tổ chức nghiên cứu ngay ý kiến của các đại biểu. Đặc biệt là những ý kiến không đồng tình, khác nhau về những nội dung của dự thảo luật.

Trên cơ sở đó, ban soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tính toán các phương án để tiếp thu từng vấn đề. Trong đó, tập trung vào bốn vấn đề lớn: thứ nhất là các chính sách ưu đãi và khuyến khích trong luật, nên như thế nào để xử lý trọn vẹn giữa luật này với các luật khác.

Tiếp đến liên quan đến vấn đề thủ tục đầu tư, phân loại các dự án. Lần này ban soạn thảo đã thống nhất tiến hành phân loại dự án sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ tác động của dự án đó đến kinh tế, xã hội. Vì vậy có thể tạm phân thành hai loại dự án: dự án không có điều kiện và dự án có điều kiện.

Dự án không có điều kiện là các dự án không nằm trong danh mục dự án có điều kiện và có qui mô vốn đầu tư dưới 300 tỉ đồng (20 triệu USD) thì chỉ cần đăng ký đầu tư. Riêng các dự án đầu tư trong nước dưới 15 tỉ đồng (1 triệu USD) thì không cần phải làm thủ tục gì cả.

Dự án đầu tư có điều kiện là các dự án thuộc danh mục đầu tư có điều kiện hoặc qui mô vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng sẽ phải thẩm tra đầu tư. Tuy nhiên, việc thẩm tra này cũng chỉ xem xét trên một số nội dung: có phù hợp với qui hoạch, nhu cầu sử dụng đất, giải pháp bảo vệ môi trường và tiến độ thực hiện dự án; các vấn đề khác như: năng lực vốn, điều hành... do chủ đầu tư tự quyết định.

Một vấn đề tiếp thu khác nữa liên quan đến thủ tục ưu đãi đầu tư là dự luật sẽ qui định việc ghi rõ ưu đãi trên giấy phép đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Với các nhà đầu tư trong nước, nếu thuộc các dự án không cần phải đăng ký đầu tư hoặc thuộc dạng đăng ký đầu tư, chủ đầu tư tự xác định và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.

Trong trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu, cơ quan quản lý phải thỏa mãn yêu cầu cho doanh nghiệp.

Có những vấn đề nào được các đại biểu Quốc hội và dư luận nêu ra mà ban soạn thảo cảm thấy không cần thiết chỉnh sửa?

Có thể nói chúng tôi đã tiếp thu phần lớn, còn một số vấn đề thì cần giải thích để rõ hơn.

Chẳng hạn có ý kiến đề nghị tạo sự bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, ở đây chúng ta đã tạo cho nhà đầu tư nước ngoài sự bình đẳng về cơ hội đầu tư, chính sách pháp luật, thụ hưởng các ưu đãi..., nhưng vẫn còn có những  lĩnh vực và địa bàn đầu tư mà chỉ có doanh nghiệp trong nước được làm hoặc điều kiện ít so với doanh nghiệp ngoài nước.

Một số vấn đề khác liên quan đến kết cấu, câu chữ, cách thức thể hiện... cũng được tiếp thu và cơ quan thẩm tra sẽ có một bản giải trình riêng nêu tất cả vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Với những tiếp thu như vậy, các dự án có qui mô vốn trên 15 tỉ đồng vẫn cần phải đăng ký đầu tư và chắc chắn thủ tục sẽ còn rắc rối khi nhà đầu tư vẫn phải tiến hành thực hiện theo hai bước, làm hai giấy là đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư?

Sẽ chỉ còn một giấy là giấy đăng ký kinh doanh - đầu tư. Ở đây sẽ xảy ra trường hợp nếu nhà đầu tư đã tổ chức kinh doanh mà tiến hành đầu tư có các dự án trên 15 tỉ đồng và không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện, cơ quan quản lý đầu tư chỉ cần ghi lên giấy đã cấp sẵn lúc nhà đầu tư mới thành lập doanh nghiệp.

Còn với nhà đầu tư mới nếu tiến hành đầu tư, thủ tục sẽ diễn ra cùng một lúc và chỉ cần một giấy do một cơ quan cấp. Cơ quan quản lý sẽ thiết kế một giấy dưới dạng sổ gọi là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư, trong đó có các phần để nhà đầu tư đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư.

Ngoài ra, thủ tục với những dự án phải đăng ký đầu tư cũng qui định rõ thời hạn nhà đầu tư nhận được giấy đăng ký đầu tư sẽ không quá 15 ngày kể từ khi đăng ký theo mẫu tại cơ quan quản lý nhà nước và không cần phải bổ sung bất kỳ loại giấy tờ nào khác.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất với các nhà đầu tư trong nước nên thực hiện theo như Luật Doanh nghiệp hiện hành và việc áp dụng thủ tục đăng ký đầu tư chỉ nên áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì sao những ý kiến này không được tiếp thu, thưa ông?

Đứng về mặt kinh tế, rất ít nhà đầu tư hoạt động đơn lẻ. Thông thường nhà đầu tư đăng ký kinh doanh, sau đó mới tiến hành đầu tư, cho nên trường hợp nhà đầu tư tiến hành các thủ tục đầu tư sau đó tiến hành kinh doanh nên thủ tục phải giải quyết đồng bộ giữa đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên ban soạn thảo sẽ đưa ra phương án để Quốc hội lựa chọn.

Lo ngại về sự thụt lùi của Luật Đầu tư lần này, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ phải có cam kết trước Quốc hội: môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ không được xấu đi nếu như luật này được thực thi. Quan điểm của ông như thế nào?

Theo tôi, hoàn toàn không có sự thụt lùi trong chính sách đầu tư của Nhà nước Việt Nam. Phải nói rằng dự án trình ra Quốc hội đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng và chắc chắn sẽ là môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tất nhiên, việc áp dụng luật vào cuộc sống đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền hành chính và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

MỚI - NÓNG