Dự án quan trọng quốc gia: Đề xuất điều chỉnh lên 35 nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
TPO - Báo cáo về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng thay vì mức 10.000 tỷ đồng như hiện hành. Tuy nhiên, Uỷ ban thẩm tra cho rằng, đề xuất này "chưa đủ căn cứ".     

Sáng 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đề cập đến sự cần thiết phải sửa đổi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Dự án đưa ra 3 nhóm, trong đó có nhóm chính sách về quản lý dự án, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết.

Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh phân loại dự án, trong đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, tiếp thu ý kiến các cơ quan, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư theo hướng không quy định đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, sửa đổi, bổ sung tiêu chí về mức độ “tuyệt mật” đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, các dự án nhóm A, B, C...

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia, Uỷ ban Tài chính Ngân sách, cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, tờ trình của Chính phủ thì mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động. Thường trực ủy ban cho rằng, việc sửa đổi này là chưa đủ căn cứ.

Lý do theo Ủy ban thẩm tra, quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của NSNN. Bên cạnh đó, số dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc về mức trần vốn của dự án. Mặt khác, việc quy định mức điều chỉnh lên hơn 3 lần là khá lớn so với số vốn đầu tư hàng năm của ngân sách nhà nước (khoảng 10%).

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật cho thấy, còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...

Đối với quy định “dự án đầu tư công khẩn cấp”, đã được mở quá rộng phạm vi so với luật hiện hành. Thường trực ủy ban cho rằng, việc mở rộng phạm vi “Dự án khẩn cấp” là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng một số dự án không thực sự khẩn cấp sẽ được coi là khẩn cấp và được áp dụng quy trình phê duyệt đặc biệt theo hướng rút gọn, không bảo đảm yêu cầu quản lý, dẫn đến lách luật, không kiểm soát được hiệu quả đầu tư… Do vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.

Uỷ ban thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ điều kiện để dự án phân chia thành dự án thành phần đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng để tránh trường hợp giải tỏa, đền bù xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án, hoặc thay đổi thành dự án khác, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư, ủy ban đề nghị không tách thành “dự án chuẩn bị đầu tư” như dự thảo luật. “Để giải quyết khó khăn trong triển khai các thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, khắc phục tình trạng “con gà, quả trứng” như hiện nay, đề nghị quy định điều kiện bố trí kế hoạch vốn hằng năm cho công tác chuẩn bị đầu tư không cần quyết định phê duyệt dự án, chỉ cần có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.